Quốc hội:

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được chú trọng

Thứ năm, 08/09/2022 15:57
(ThanhtraVietNam) - Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành. Các kết quả nổi bật và tồn tại, hạn chế trên nhiều mặt công tác đã được báo cáo và thảo luận.

Ngành Thanh tra đã triển khai 46.901 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Theo Chính phủ, đối với việc ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 104 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có 6 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 vượt kế hoạch 5 năm đề ra (100,4%), đây là kết quả tích cực trong điều kiện tăng trưởng kinh tế, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt khoảng 26,9% GDP; tỷ trọng chi thường xuyên đến năm 2020 còn dưới 64% theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 được tổ chức triển khai trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Công tác phối hợp với các địa phương được đổi mới mạnh mẽ, giúp giảm thời gian, chi phí cho các địa phương.

Vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được bố trí theo hướng tập trung hơn, ưu tiên cho các dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, biên giới hải đảo. Đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt công tác này. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 đã có bước tiến bộ vượt bậc so với các năm trước, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nâng tỷ lệ giải ngân trung bình của cả giai đoạn 2016-2020 là 83,4%.

leftcenterrightdel
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Ảnh: chinhphu.vn 

5 tồn tại, hạn chế và 9 giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính bên trong đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương giảm 7 sở; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở giảm 1.648 tổ chức; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm 451 tổ chức. Kết quả sắp xếp đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập giảm 7.721 đơn vị, giảm 13,85% so với năm 2015.

Đối với quản lý biên chế, tinh giản biên chế, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.722 biên chế, giảm 27.530 biên chế, giảm 10,01% so với năm 2015. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2021 giảm 11,67%, vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Tổng số công chức cán bộ, công chức cấp xã năm 2021 giảm 8,94% so với năm 2015; số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố năm 2021 giảm 49,26% so với năm 2015.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, đối với công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngành Thanh tra đã triển khai 46.901 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua thanh tra, kiểm tra 71.207 cơ quan, đơn vị, kiến nghị trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xử lý hành chính 1.853 người, xử lý hình sự 53 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 320 vụ, 420 đối tượng...

Bên cạnh thành tích, kết quả nổi bật đã đạt được, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nêu 5 tồn tại, hạn chế và 9 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, các ý kiến thảo luận tại buổi giám sát của Đoàn giám sát cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện sự cố gắng rất lớn, cơ bản bám sát các yêu cầu của Đoàn giám sát và quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay đề nghị Chính phủ giải trình thêm.

Theo đó, cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Tổ công tác, đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chỉ đạo hoàn chỉnh Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 9/2022. Căn cứ ý kiến tại buổi làm việc và các kiến nghị của Chính phủ, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ công tác của Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo toàn văn, báo cáo tóm tắt và dự thảo nghị quyết, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định./.

Đoàn Thanh Kỳ (T.H)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra