Toàn cảnh Hội thảo. (ảnh: Huy Trần)
Tham dự Hội thảo có ông Đỗ Văn Đương – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; đại diện thanh tra và Ban Tiếp công dân một số Bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Thanh tra nhấn mạnh, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song qua gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân 2013 cho thấy, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến gửi về Tạp chí Thanh tra liên quan đến các quy định của Luật Tiếp công dân, như: Sự thiếu thống nhất về tên gọi, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của tổ chức tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương; sự thiếu rõ ràng trong các quy định về phạm vi trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng, Trụ sở tiếp công dân các cấp; về mối quan hệ giữa Trụ sở Tiếp công dân ở Trung ương với cơ quan thường trực tiếp dân ở địa phương và mối quan hệ giữa Trụ sở Tiếp công dân với cơ quan thanh tra, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Hội thảo “Kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư” được xem như một diễn đàn mở để Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cùng nhau thảo luận, trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay và những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu chỉ đạo Hội thảo. (ảnh: Huy Trần)
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh hoan nghênh, ủng hộ việc Tạp chí Thanh tra chủ động đề xuất và tổ chức Hội thảo. Đây là hội thảo rất cần thiết vì Luật Tiếp công dân 2013 đã triển khai được gần 7 năm, bên cạnh những mặt đã làm được cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Do đó, các đại biểu tại Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về hạn chế, bất cập xem đã cần thiết phải sửa đổi và sửa đổi những nội dung nào trong Luật Tiếp công dân để tạo sự nhận thức thống nhất nhằm làm tốt hơn công tác tiếp công dân trên cả nước.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận vào 02 vấn đề chính, gồm: Công tác tổ chức, những người làm công tác tổ chức tiếp công dân; những cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân.
Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Thanh tra Nguyễn Thị Hoa phát biểu khai mạc Hội thảo. (ảnh: Huy Trần)
Hội thảo đã nghe nhiều tham luận, ý kiến trao đổi, kinh nghiệm cũng như những kiến nghị, đề xuất trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại cơ quan, địa phương, như: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của TS. Đỗ Văn Đương – Phó Trưởng ban Dân nguyện; Quảng Ninh: Chủ động và quyết liệt trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy; Vài nét về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư tại Bộ Y tế - thực trạng và giải pháp của Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên; Một số giải pháp của Thanh tra tỉnh Nam Định giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định Vũ Minh Lượng…
Các đại biểu dự Hội thảo. (ảnh: Huy Trần)
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đánh giá, Hội thảo đã đưa ra một số nhận định, nội dung rất quan trọng trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, như: Chức năng hòa giải của người cán bộ tiếp dân; có trợ giúp pháp lý hay không, sử dụng sự hỗ trợ của các luật sư như thế nào (phát huy quy chế phối hợp); tăng cường tập huấn cho cán bộ tiếp công dân; tăng cường hội thảo trao đổi kinh nghiệm; mạnh dạn tham mưu sửa sai từ cán bộ tiếp công dân, từ cán bộ thanh tra…
Các đại biểu dự Hội thảo. (ảnh: Huy Trần)
Từ cuộc Hội thảo “Kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư” do Tạp chí Thanh tra tổ chức, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giao Ban Tiếp công dân Trung ương nghiên cứu, tham mưu đề xuất Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, để quyết định tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề sâu về tiếp công dân. Trong đó, mời các Trưởng Ban tiếp công dân của 63 tỉnh, thành phố tham dự. Hội thảo chuyên sâu sẽ tập trung thảo luận một số vấn về, gồm: Sửa Luật cho rõ ràng; theo nhu cầu của địa phương, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn về Ban Tiếp công dân chuyên trách; hướng dẫn, trao đổi sâu về kỹ năng, phẩm chất, lòng yêu nghề của cán bộ tiếp dân; chế độ đãi ngộ cho cán bộ tiếp công dân... Sau đó, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản kiến nghị các nội dung về vấn đề này với Chính phủ./.
Minh Nguyệt