Đối tượng mạo danh Vụ trưởng Thanh tra để thông chốt kiểm dịch Covid-19 ở Đồng Nai sẽ bị xử lý hình sự về hành vi nào?

Thứ sáu, 10/09/2021 20:30
(ThanhtraVietnam) - Ngày 10/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Đình Hải (33 tuổi, ngụ KP.6, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác quy định tại Điều 339 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Theo lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa, bước đầu cơ quan công an xác định, Trịnh Đình Hải có dấu hiệu vi phạm về hành vi nói trên nên đã tập trung củng cố hồ sơ để xử lý. Ngoài ra, cơ quan công an cũng đang tiếp tục xác minh, giám định để xem xét về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức đối với đối tượng này.

Cụ thể, ngày 31/8, tại chốt kiểm soát dịch số 14 (khu vực cầu Săn Máu, thuộc KP.5, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), Công an P.Trảng Dài phát hiện Trịnh Đình Hải điều khiển xe ô tô mang biển số 60A-623.09 đến yêu cầu được qua chốt. Trao đổi với lực lượng trực chốt, Hải tự xưng là Vụ trưởng Thanh tra Chính phủ và xuất trình một thẻ mang tên Trịnh Đình Hải, chức vụ: Phó phòng xử lý sau thanh tra, cơ quan Bộ Y tế.

Thấy nghi ngờ, lực lượng Công an đã giữ lại làm việc thì đối tượng lại tự xưng là cán bộ Thanh tra Chính phủ để được qua chốt. Ngay sau đó, vụ việc được giao cho Công an TP.Biên Hòa vào cuộc điều tra, xác minh.

Qua quá trình khám xét xe ô tô và nơi ở của đối tượng này, lực lượng Công an đã phát hiện và thu giữ 1 áo trang phục thanh tra, một bộ cầu vai, một bảng tên mang tên Trịnh Đình Hải, chức vụ Phó phòng xử lý sau thanh tra, cơ quan Bộ Y tế; 10 cầu vai, 1 mũ keepi, 7 áo sơ mi giống áo của cán bộ thanh tra; 2 thẻ Thanh tra mang chức vụ Phó phòng xử lý sau thanh tra, cơ quan của Bộ Y tế, cùng nhiều tài liệu khác.

leftcenterrightdel
 Số tang vật đối tượng dùng để giả mạo cán bộ Thanh tra Chính phủ được công an thu giữ.(Ảnh: Nguồn Báo Đồng Nai)

Qua xác minh, đối tượng khai số trang phục trên Hải đặt mua trên mạng xã hội với giá 4 triệu đồng. Sau khi có được những bộ đồ, các loại thẻ này, đối tượng đã đến các địa phương tự xưng là cán bộ Thanh tra Chính phủ để qua chốt và dễ dàng làm việc với địa phương. Cơ quan Công an cũng đang xác minh một số giấy tờ đi đường do một số phường của TP.Biên Hòa cung cấp cho đối tượng này.

Theo Điều 8 của Thông tư 02/2015/TT-TTCP quy định về trang phục của cán bộ, thanh tra viên, công chức, viên chức thuộc các cơ quan Thanh tra Nhà nước, thể hiện: “Việc quản lý, cấp phát, niên hạn sử dụng trang phục của cán bộ, thanh tra viên, công chức, viên chức thuộc các cơ quan Thanh tra Nhà nước được thực hiện theo quy định của văn bản liên tịch giữa Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính.

Người được cấp trang phục để sử dụng khi thi hành công vụ, ngày lễ, ngày truyền thống; có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản trang phục theo quy định của Nhà nước; nghiêm cấm sử dụng trang phục không đúng mục đích, để vụ lợi”.

Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Thanh tra, Thạc sỹ, Luật sư Khưu Thanh Tâm - Công ty Luật TNHH Giải Pháp Việt, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:“ Việc để người dân mà cụ thể là đối tượng Trịnh Đình Hải mua và sử dụng nhiều bộ trang phục, cầu vai, ve, mũ keepi cho thấy việc quản lý sử dụng trang phục của ngành Thanh tra còn chưa được chặt chẽ".

Cũng liên quan đến vụ việc, cơ quan Công an cũng đang xác minh một số giấy tờ đi đường do một số phường của TP.Biên Hòa cung cấp cho đối tượng này. Đối với nội dung này, Luật sư Khưu Thanh Tâm cho rằng: “Đã có sự cả nể và tin tưởng quá mức của các địa phương đối với đối tượng này. Theo Luật sư Tâm nếu các địa phương kiểm tra, xác minh chặt chẽ các hồ sơ của đối tượng cung cấp thì sẽ dễ dàng phát hiện ra sơ hở của đối tượng. Cụ thể vào Cổng Thông tin điện tử của cơ quan Thanh tra Chính phủ hoặc gọi vào số điện thoại đường dây nóng của Thanh tra tỉnh Đồng Nai là có kết quả ngay. Hơn nữa, đối với tư cách là Vụ trưởng thì lúc đi công tác thường đi cùng Đoàn thanh tra, lúc đi có giấy công lệnh của cơ quan thanh tra cấp. Nên không có chuyện một Vụ trưởng lại trực tiếp liên hệ công tác với địa phương mà ở đây là cấp phường; điều này sẽ không phù hợp với quy định. Được biết, tại khu vực phía Nam chỉ có duy nhất 1 Cục trưởng (Cục trưởng Cục 3 - Thanh tra Chính phủ), còn các chức danh Vụ trưởng đều ở trụ sở chính tại Hà Nội.

Cũng theo Luật sư Tâm, để hạn chế việc mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước trong khi thi hành công vụ để lừa đảo, các cơ quan, đơn vị khi tiếp xúc với các đối tượng này cần công khai, minh bạch nhiệm vụ thực hiện và xử lý các hồ sơ có liên quan đúng quy định pháp luật. Kiểm tra kỹ hồ sơ, không vì sự cả nể, quen biết mà làm trái các quy định của pháp luật. Đối với cơ quan được cấp trang phục cần cấp phát đúng đối tượng, quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý dứt điểm tình trạng mua bán trang phục giả mạo; đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phát đồng phục của cơ quan, đơn vị mình, tránh tình trạng những đối tượng xấu dùng trang phục của ngành để thực hiện những hành vi phạm pháp.

Cũng theo Luật sư Tâm, “Theo quy định của pháp luật, những hành vi trên có thể xử lý vi phạm theo pháp luật hình sự, mà cụ thể họ có thể bị xử lý với 3 hành vi. Thứ nhất là nếu lợi dụng hành vi đó với mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 của Bộ luật Hình sự. Thứ hai, nếu họ giả danh các chức vụ, cấp bậc thì cũng bị xử lý về hành vi giả danh chức vụ, cấp bậc được quy định tài điều 265 của Bộ luật Hình sự và mức hình phạt của hành vi này tới 2 năm tù. Thứ 3 là, nếu họ làm giả các giấy tờ tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức thì bị xử lý hình sự về hành vi này và mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù”.

Đình Thuyết


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra