Bà Rịa-Vũng Tàu:

Ban hành kế hoạch thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

Thứ hai, 22/04/2024 08:15
(ThanhtraVietNam) - UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
leftcenterrightdel
Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh về công tác PCTNTC.

Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định pháp luật.

Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTNTC, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Kế hoạch của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện:

Thứ nhất, triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác PCTNTC; kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC tại Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cấp tỉnh; các kết luận phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Thường Trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh về công tác PCTNTC.

Thứ hai, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định thuộc phạm vi quản lý nhà nước chưa rõ ràng, không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Đồng thời, kiểm tra và theo dõi tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PCTNTC.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng và tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật; xây dựng văn hóa không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan báo, đài địa phương chủ động, tăng cường xây dựng các chuyên mục, tin bài, phóng sự,... về PCTNTC để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTNTC; kịp thời đưa tin về kết quả thực hiện công tác PCTNTC, nhất là các thông tin liên quan đến việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện việc đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy theo quy định.

Thứ tư, các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện công khai, minh bạch; trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về công khai, minh bạch thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Công khai quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đó. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tự kiểm tra nội bộ, thanh tra việc chấp hành quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ và xử lý kịp thời người có hành vi vi phạm về việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ tại đơn vị mình; tổng hợp kết quả, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Thứ sáu, tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thứ bảy, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch tự tổ chức rà soát xung đột lợi ích; xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện nghiên túc Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; tiếp tục thực hiện việc kê khai, công khai, bàn giao bản kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định. Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị năm 2024. Trọng tâm là xác minh tài sản, thu nhập của người công tác trong các ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực theo định hướng của Thanh tra Chính phủ.

Thứ tám, tổ chức thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTNTC đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Thứ chín, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về PCTNTC, tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức, đơn vị; tạo điều kiện và phát huy vai trò của cơ quan thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh và truyền hình trong công tác PCTNTC.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh căn cứ vào Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. 

Đồng thời, giao Sở Nội vụ chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: Thực hiện Quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn; kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ./.

Vũ Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra