Đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới

Thứ bảy, 28/12/2024 07:43
(ThanhtraVietNam) - Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, nâng cao hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Theo đó, công điện nêu rõ, tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới:

Chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trình Chính phủ trước ngày 05 tháng 01 năm 2025; xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, mua, thuê các sản phẩm dịch vụ số; có chính sách đặc biệt để đào tạo, phát triển, thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển sản phẩm công nghệ số, công nghiệp an ninh mạng; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Xây dựng cơ chế hợp tác công tư để phát triển hạ tầng số hiện đại, trong đó nguồn lực nhà nước là chủ yếu. Phát triển hạ tầng viễn thông, internet. Tập trung số hoá toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ở tất cả các Bộ, cơ quan, các cấp, các ngành.

Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập, chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân lực chất lượng cao trong những lĩnh vực này; tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; có cơ chế thử nghiệm chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược. Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh, (trình Chính phủ trong quý I năm 2025).

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình ban hành danh mục ngành kinh tế xanh tích hợp vào hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, với các chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng trình Chính phủ trong Quý I năm 2025.

Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính, khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp tăng cường nguồn lực cho tín dụng xanh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, dự án xanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia, làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… (trình Chính phủ trong Quý I năm 2025).

leftcenterrightdel
Ảnh: ITN 

Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hoá; phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước.

Chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải Các-bon thấp. Đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Phát triển ngành thuỷ sản gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết có hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu. Xây dựng và phát triển các khu thương mại tự do tại Thành phố Hải Phòng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, dạy nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới, nhất là trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, điện hạt nhân...

Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới./.

 

P.V

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra