Hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua công tác thanh tra, kiểm toán Nhà nước

Thứ hai, 24/08/2020 09:21
(ThanhtraVietNam) – Chiều 21/8, tại Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) đã triển khai hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: “Hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua công tác thanh tra, kiểm toán Nhà nước”. Đề tài do TS. Tăng Thị Thiệm, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm.

Tại hội thảo, TS. Tăng Thị Thiệm cho biết, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đối tượng đầu tư công khác. “Hoạt động này là hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nhờ đầu tư công mà cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế xã hội, đời sống của người dân được nâng cao, là công cụ cần thiết của Nhà nước để khắc phục những hạn chế của bàn tay vô hình trong nền kinh tế thị trường, là đòn bẩy kinh tế cho đầu tư các khu vực còn lại phát huy hiệu quả cao thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng thời phát triển các mặt xã hội mà các thành phần kinh tế tư nhân ít khi tham gia được”, TS. Thiệm nhấn mạnh.

Mặt khác, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả đóng vai trò quan trọng và quyết định đến sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước cũng như từng địa phương. Ngược lại, nếu sử dụng nguồn vốn nãy lãng phí sẽ ảnh hướng rất lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô, dẫn đến nợ công, bất ổn tài chính ngân sách. Thực tế trong những năm qua, hệ thống pháp luật quản lý vốn đầu tư công đã đáp ứng một phần nào quá trình triển khai vốn đầu tư công vào các chương trình, dự án và các hạng mục đầu tư khác, góp phần tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công trong thời gian qua bộc lộ rất nhiều hạn chế, một lượng vốn đầu tư công lớn bị sử dụng lãng phí, thất thoát, nhiều dự án đầu tư xong không phát huy được hiệu quả.

leftcenterrightdel
TS. Tăng Thị Thiệm, Chủ nhiệm Đề tài chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: L.A 

TS. Thiệm cũng chia sẻ, thanh tra, kiểm toán là công cụ hữu hiệu của quản lý Nhà nước. Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán việc thực hiện pháp luật về đầu tư công, qua đó chỉ ra nhiều sai phạm, đề xuất sửa đổi nhiều cơ chế chính sách liên quan, kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, xử lý kỷ luật và hình sự nhiều cán bộ, tổ chức, cá nhân. Những sai phạm điển hình khi thanh tra, kiểm toán pháp luật quản lý vốn đầu tư công là: Chất lượng công tác chuẩn bị  đầu tư còn thấp, tiến độ thực hiện dự án chậm làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư; công tác phê duyệt chủ trương đầu tư nhiều dự án chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; có tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mực đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn; tiến độ thực hiện tại nhiều dự án còn chậm so với kế hoạch ban đầu hoặc chậm được đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư...

“Nguyên nhân của những hạn chế, sai phạm cũng được chỉ ra từ các cuộc thanh tra, kiểm toán quản lý vốn đầu tư công chủ yếu là do pháp luật về quản lý vốn đầu tư công còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, nhưng lại chồng chéo, khó thực hiện, việc chấp hành pháp luật về vốn đầu tư công chưa nghiêm, chậm phát hiện sai phạm, không kịp thời xử lý sai phạm và việc xử lý sai phạm còn chưa nghiêm; các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là cấp địa phương chỉ mới coi trọng lĩnh vực kinh tế mà ít đề cập đến vấn đề xã hội và môi trường, thứ tự ưu tiên trong định hướng đầu tư công chưa rõ ràng, dẫn đến đầu tư tràn lan, làm phân tán nguồn lực đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án và làm giảm hiệu quả đầu tư, thứ tự ưu tiên về đầu tư công còn không nhất quán về thứ tự ưu tiên nguồn lực”, TS. Thiệm khẳng định.

Tại hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, mục tiêu chung của Đề tài cần làm rõ theo 2 hướng: Hoàn thiện pháp luật về đầu tư công và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công. Để giải quyết các mục tiêu đó, theo TS. Hùng, Chương I cần phân ra 4 phần chính: Phần 1 là các khái niệm liên quan đến việc giải quyết 2 mục tiêu của Đề tài; Phần 2 là các nội dung và định hướng của Đề tài (tình hình nghiên cứu; định hướng/nội dung nghiên cứu đề tài); Phần 3: Những yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật và thực hiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công; Phần 4: Quản lý Nhà nước về đầu tư công và vai trò của hoạt động kiểm toán, thanh tra.

Bên cạnh đó, Chương II, Ban Chủ nhiệm cần phân ra 3 phần chính, Phần 1: thực trạng quản lý vốn đầu tư công, tập trung đến các quy định pháp luật đầu tư công từ năm 2016 đến nay; Phần 2: Thực trạng quản lý vốn đầu tư công nên lấy nguyên một vụ việc nào cụ thể của cơ quan nào đó về đầu tư công để đưa ra những bất cập, sai quy định; sau đó đánh giá thực trạng quản lý đầu tư công; Phần 3: Giải pháp để hoàn thiện; nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công; giải pháp tổ chức thực hiện…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: L.A

Góp ý tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, mụctiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm cần làm rõ, nghiên cứu cái gì; về mục tiêu cần nhấn mạnh về hoạt động thanh tra, kiểm toán về đầu tư công. Về phần nội dung, TS. Khanh nhấn mạnh, trước khi đề cập đến nội dung pháp luật và thực hiện pháp luật về quản lý đầu tư công cần khái quát bức tranh quản lý vốn đầu tư công sau đó mới đi đến vai trò yếu tố hoạt động kiểm toán, thanh tra ảnh hướng đến vốn đầu tư công. Ở Chương 2, cần đánh giá thực tiễn thực trạng vai trò thanh tra kiểm toán, quản lý vốn đầu tư công đối với hoàn thiện pháp luật. Chương 3, Ban chủ nhiệm cần đưa ra quan điểm, giải pháp phát huy vai trò thanh tra, kiểm toán trong hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thúy, Viện CL&KHTT cũng nhấn mạnh, đề cương chi tiết cần tập trung đến thanh tra, kiểm toán đối với việc quản lý vốn đầu tư công. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm cần làm rõ đặc điểm vốn đầu tư công mới ra được chủ thể quản lý; nội dung quản lý./.

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra