Theo kết luận thanh tra số 08/KL-TTr ngày 24/02/2025 của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), dù công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có nhiều tiến bộ, vẫn còn nhiều tồn tại đáng quan ngại.
Đoàn thanh tra đã tiến hành làm việc trực tiếp với Ban quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), Sư trụ trì di tích Chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và Thủ nhang di tích lịch sử - Văn hóa Quốc gia đặc biệt Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, thành phố Nam Định).
Tại Di tích Phủ Dầy, Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản đã ban hành các quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội Chợ Viềng năm 2025 và thành lập Đoàn Kiểm tra hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, thương mại tại Chợ Viềng xuân 2025.
    |
 |
Công tác tổ chức lễ hội tại Nam Định vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Ảnh minh hoạ: ITN |
Công an huyện đã chủ trì, phối hợp Ban chỉ huy Quân sự huyện xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời đã tổ chức kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ và yêu cầu thủ nhang các đền phụ ký cam kết đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Đoàn kiểm tra liên ngành cũng phối hợp với quản lý thị trường của huyện tuyên truyền, nhắc nhở tới hơn 1000 hộ kinh doanh dọc các tuyến đường 10, 37B, 38B liên quan đến lễ hội, không buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè đảm bảo hành lang an toàn giao thông, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về chống ép giá.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra còn tồn tại: "Phủ Văn Cát còn tiếp nhận công đức bằng hiện vật như lọ lục bình, đèn thờ... không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng, sử dụng nến cốc chưa đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ."
Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, thành phố Nam Định là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tại đây có nhiều lễ hội trong năm, đặc biệt là lễ đăng hương vào ngày 14 tháng giêng và Trần Quốc Toản ra quân vào đêm 24 tháng Giêng hàng năm.
UBND xã Mỹ Phúc đã xây dựng kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 17/01/2025 về việc triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự - vệ sinh môi trường trong tháng giêng và tổ chức Lễ đăng hương đầu Xuân Ất Tỵ 2025 tại Di tích Lịch sử Văn hoá Đền Bảo Lộc.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho biết: "Trên các tuyến đường về di tích đền Bảo Lộc và Bãi xe đối lúc còn chưa đảm bảo vệ sinh, quy hoạch bãi xe diện tích quá chật chội không đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế."
Đối với Di tích Chùa Đại Bi, Ủy Ban nhân dân Thị trấn Nam Giang đã ban hành các quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội Chùa Đại Bi và kiện toàn Ban quản lý di tích, cũng như xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Chùa Đại Bi Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Ban tổ chức lễ hội đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên kiểm tra, bảo vệ, giữ gìn di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi xâm hại đến di tích.
Công tác quản lý khu vực bảo vệ di tích khi tổ chức lễ hội được giao Ban văn hóa, Đài phát thanh thị trấn, tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, băng, biển và các hình thức tuyên truyền khác.
Kết luận thanh tra nêu rõ: "Công tác quản lý Di tích và tổ chức Lễ hội của tỉnh Nam Định đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cấp chính quyền thực hiện theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản có liên quan."
Các nghi lễ trong lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, tổ chức trang trọng, an toàn, ý nghĩa, đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong công tác tổ chức lễ hội như đã nêu.
Để khắc phục những tồn tại, Thanh tra Bộ VHTTDL đã đưa ra một số kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa, giá trị di tích và lễ hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm diễn ra trong lễ hội.
Đối với các Ban quản lý di tích, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, thủ nhang, sư trụ trì thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng...) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.
Tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như: đốt nhiều vàng mã, ăn xin, ăn mày, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá hàng hóa dịch vụ và trông giữ phương tiện giao thông; tổ chức chơi các trò chơi cờ bạc trá hình.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và lắp đặt hệ thống bảng, biển hướng dẫn nhân dân và du khách về tham dự lễ hội tại các điểm vào di tích. Tăng cường công tác tuyên truyền về lịch sử di tích và ý nghĩa lễ hội.