Đánh giá cấp cơ sở đề tài cấp bộ 2021:

Kết luận thanh tra - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ tư, 22/12/2021 17:40
(ThanhtraVietNam) - Ngày 21/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tổ chức họp đánh giá cấp cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ: “Kết luận thanh tra - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm. TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh, kết luận thanh tra là quyết định hành chính chủ đạo hay là quyết định hành chính cá biệt trực tiếp làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra cũng đang là vấn đề đặt ra; kết luận thanh tra là quyết định hành chính có giá trị quan trọng trong hoạt động thanh tra, phản ánh tập trung nhất kết quả toàn bộ quá trình tiến hành một cuộc thanh tra. Tuy nhiên, pháp luật thanh tra từ trước đến nay không giải thích thuật ngữ “Kết luận thanh tra”  là gì? và giá trị pháp lý của kết luận thanh tra như thế nào hiện chưa được quy định rõ.

Nhằm làm rõ cơ sở khoa học và đưa ra giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về xây dựng và thực hiện kết luận thanh tra, đề tài đưa ra các nội dung nghiên cứu: Cơ sở lý luận về kết luận thanh tra; thực trạng xây dựng và thực hiện kết luận thanh tra; quan điểm, giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về kết luận thanh tra và bảo đảm thực hiện kết luận thanh tra.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: L.A

Cho ý kiến vào kết quả nghiên cứu của đề tài, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Ủy viên phản biện cho rằng, đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, để hoàn thiện đề tài cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung. Cụ thể, chương 1 của đề tài cần tập trung vào ba vấn đề chính: quan niệm, đặc điểm, vai trò; thẩm quyền, nội dung, trình tự; các yếu tố ảnh hưởng.

Về chương 2, số liệu về thực trạng xây dựng, ban hành và thực hiện kết luận thanh tra tại phần này chưa thực sự rõ ràng. Chương 3, cần tiếp cận trực tiếp vào giải pháp về kết luận thanh tra, tuy nhiên đây là những giải pháp khó vì vậy nên đề cập ở mức độ vừa đủ.

Theo ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện CL&KHTT, Ủy viên Thư ký Hội đồng, chương 1 và chương 2 có sự trùng lặp về nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Ngoài ra, ngay tại phần lý luận (chương 1) đề tài cần đưa ra chủ thuyết rõ ràng nên theo hướng tiếp cận nào thì đúng. Cũng tại chương này, giảm dung lượng phân tích về pháp lý sẽ phù hợp với kết cấu nghiên cứu của đề tài. Đặc biệt, đề tài cần luận giải kỹ hơn về bản chất của kết luận thanh tra là quyết định hành chính để bảo đảm tính thuyết phục hơn: Làm rõ việc thi hành và thực hiện là hai khái niệm khác nhau, trên cơ sở đó chỉ ra được kết luận thanh tra có giá trị thực hiện hay hay giá trị thi hành.

TS. Đinh Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng phản biện đánh giá, đề tài được nghiên cứu bài bản, toàn diện, nghiên cứu có tính lịch sử, khảo cứu. Các giải pháp đề tài đưa ra khá toàn diện. Tuy nhiên, về các yếu tố ảnh hưởng đề tài cần xác định cụ thể bao gồm những nội dung bị gì bị ảnh hưởng: Chất lượng, việc ban hành hay việc thực hiện kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, TS. Minh chỉ ra rằng, đề tài đưa ra quan niệm kết luận thanh tra là quyết định hành chính liệu đã đầy đủ bao hàm các yếu tố chưa, do vậy đề tài cần nghiên cứu nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất đánh giá Đề tài đạt yêu cầu, đủ điều kiện để nghiệm thu chính thức. Ban chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa những nội dung theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng./.

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra