Bộ Tư pháp:

Kiểm điểm, xử lý nghiêm minh trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản

Thứ tư, 23/02/2022 15:43
(ThanhtraVietNam) - Báo cáo kết quả công tác thanh tra năm 2021 của Bộ Tư pháp cho biết, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật có liên quan, tuy nhiên qua thanh tra cũng đã phát hiện một số trường hợp sai phạm, kịp thời có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh và có các hình thức xử lý nghiêm minh để làm gương trong toàn Ngành.

Theo đó, năm 2021, Bộ Tư pháp đã tiến hành 39 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất và thanh tra xác minh để giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Trong đó, có 4 đoàn thanh tra theo kế hoạch; 33 đoàn thanh tra đột xuất, thanh tra xác minh giải quyết KNTC và tiến hành 2 cuộc kiểm tra sau thanh tra. Bộ đã ban hành 35 Kết luận thanh tra (bao gồm kết luận của các cuộc thanh tra đã tiến hành năm 2020), 40 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 tổ chức, cá nhân có vi phạm với tổng số tiền xử phạt 506 triệu đồng.

Về công tác thanh tra hành chính, Bộ đã tập trung thanh tra hành chính vào các lĩnh vực như công tác tổ chức cán bộ, việc sử dụng ngân sách nhà nước, việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Bộ đã triển khai 1 đoàn thanh tra hành chính theo kế hoạch và 2 đoàn thanh tra đột xuất về công tác đầu tư xây dựng cơ bản do Ban Quản lý dự án, Bộ Tư pháp làm chủ đầu tư. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai 20 đoàn thanh tra đột xuất, thanh tra xác minh giải quyết KNTC (trong đó, có 3 đoàn thanh tra đột xuất, 16 đoàn thanh tra xác minh giải quyết KNTC và 1 tổ xác minh, thu thập thông tin nội dung khiếu nại). Qua công tác thanh tra, Bộ Tư pháp phát hiện còn một số vi phạm chủ yếu trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; kịp thời kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, tập thể, cá nhân có vi phạm hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền khi phát hiện hành vi có dấu hiệu hình sự. 

leftcenterrightdel
Thanh tra Bộ Tư pháp. Ảnh: thanhtra.com.vn

Về công tác thanh tra chuyên ngành, Bộ Tư pháp đã triển khai 3 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch; 10 đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất và ban hành 11 kết luận thanh tra đối với 17 đơn vị được thanh tra. Công tác thanh tra chuyên ngành tập trung vào các lĩnh vực: lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực, đấu giá. 

Kết quả thanh tra cho thấy, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, các đối tượng được thanh tra còn một số vi phạm và sẽ được kiến nghị xử lý theo quy định. 

Có thể khẳng định trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt công tác thanh tra đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch không để xâm nhập, lây lan trong cơ quan, gia đình và xã hội; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị. Bộ cũng đã thực hiện tốt việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các Sở Tư pháp và chỉ đạo Thanh tra Bộ hướng dẫn 2 đơn vị được giao chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai, thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng Kế hoạch thanh tra năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 1768/QĐ-BTP ngày 25/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất; chú trọng việc giám sát hoạt động của các Đoàn thanh tra thường xuyên kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý, sử dụng ngân sách; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; bán đấu giá tài sản; hộ tịch có yếu tố nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các vấn đề trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý được xã hội quan tâm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp nhằm đánh giá, kết luận trách nhiệm của đơn vị và người đứng đầu đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và những vấn đề còn bất cập, vướng mắc (nếu có); làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. 

Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra. 

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế của Thanh tra Bộ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ; đề nghị bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch cho cán bộ thanh tra theo quy định. Tạo điều kiện để công chức thanh tra thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ thanh tra. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết KNTC, phòng chống tham nhũng./. 

Hà Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra