Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức: Lý luận và thực tiễn

Thứ năm, 23/09/2021 14:22
(ThanhtraVietNam) – Đây là chủ đề Hội thảo tập huấn bên lề cuộc họp Ban thư ký Nhóm các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC) được Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Cơ quan về Ma tuý và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức trực tuyến chiều ngày 22/9/2021. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chủ trì Hội thảo.

Thanh tra Chính phủ chủ trì cuộc họp Ban thư ký ASEAN-PAC lần thứ 17

leftcenterrightdel
 Tham dự hội thảo có đại diện cơ quan thành viên của ASEAN-PAC, UNODC; đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương của Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Minh)

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp PCTN quan trọng được thực hiện ở các quốc gia trên thế giới. Trong đó, kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, tiến tới kiểm soát tài sản, thu nhập trong toàn xã hội là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất. Vì biện pháp này sẽ giúp giải quyết được triệt để từ gốc rễ và ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành của tài sản, thu nhập bất minh, gián tiếp giảm tải gánh nặng rất lớn cho các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phát hiện, truy vết và thu hồi tài sản tham nhũng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chia sẻ, thực tiễn cho thấy, có nhiều yếu tố tác động, chi phối và quyết định đến hiệu quả của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, như: Quyết tâm chính trị, thể chế chính trị, trình độ phát triển, khuôn khổ pháp luật, năng lực, điều kiện đảm bảo thực thi pháp luật... Ngoài ra, các yếu tố về nhận thức, tâm lý, văn hoá, phong tục, tập quán trong nhiều trường hợp, cũng trở thành những rào cản đáng kể trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Minh)

Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi hoặc chưa chuyển đổi, cũng làm phát sinh nhiều cản trở cho việc triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

“Chúng tôi trân trọng và đặc biệt cảm ơn UNODC - đối tác đồng tổ chức Hội thảo đã đồng hành, hỗ trợ tích cực trong suốt quá trình xây dựng nội dung, chương trình cũng như tìm kiếm những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát tài sản, thu nhập làm diễn giả cho Hội thảo. Chúng tôi cũng xin đặc biệt cảm ơn các chuyên gia của UNODC và các chuyên gia đến từ Uỷ ban Chống tham nhũng Indonesia (KPK), Cơ quan chống tham nhũng Malaysia (MACA), Uỷ ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan, Cơ quan Thanh tra Philippine đã nhận lời mời tham luận tại Hội thảo để chia sẻ những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, thực tiễn tốt về các chủ đề có liên quan”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Minh)

Hội thảo đã nghe 2 diễn giả là cố vấn PCTN của UNODC là ông Francesco Checchi và bà Alma Sedlar trình bày một số nội dung quan trọng trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm: Khuôn khổ pháp luật quốc tế về kiểm soát tài sản, thu nhập; phân tích so sánh các hệ thống kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên thế giới. Ngoài ra, đại diện các quốc gia Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Phillipine cũng có tham luận về các nội dung khác nhau của kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm ghi nhận và đánh giá cao chất lượng của những tham luận được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sâu sắc và thấu đáo của các diễn giả. Ông khẳng định, Hội thảo đã diễn ra thành công, tốt đẹp với các phiên làm việc hiệu quả, nội dung phong phú, tinh thần làm việc nghiêm túc, tích cực của các đại biểu.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tin tưởng rằng, mỗi đại biểu tham dự đều rút ra được những hàm ý chính sách quan trọng, có giá trị tham khảo thiết thực, phù hợp với đặc thù về kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia mình./.

Cuộc họp Ban thư ký ASEAN-PAC là sự kiện đối ngoại quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cũng như vai trò, vị thế của Thanh tra Chính phủ nói riêng, Việt Nam nói chung trong hợp tác khu vực về PCTN.

Thời lượng chương trình Hội thảo “Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức: Lý luận và thực tiễn” được cân đối và phân bổ hợp lý giữa những vấn đề mang tính lý luận. Từ đó, làm cơ sở, nền tảng cho những vấn đề mang tính thực tiễn trong kiểm soát tài sản, thu nhập, có giá trị tham khảo thiết thực, phù hợp với đặc thù về kinh tế, chính trị, văn hóa của các thành viên ASEAN-PAC. 

 

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra