Kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư

Thứ năm, 30/07/2020 11:00
(ThanhtraVietNam) – Đây là chủ đề Hội thảo do Tạp chí Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức vào sáng 31/7 tại Quảng Ninh. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh sẽ chủ trì Hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, những người làm thực tiễn trao đổi, phân tích, đánh giá vai trò, ý nghĩa của công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ được phân công làm nhiệm vụ này. Từ đó, đánh giá các quy định pháp luật và việc triển khai trên thực tế để thấy được kết quả cũng như tồn tại, hạn chế, nhằm kiến nghị những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Dự kiến, Hội thảo sẽ thu hút sự quan tâm của gần 60 đại biểu đến từ các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra nhiều Bộ, ngành địa phương; các ban tiếp công dân cơ sở; các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

leftcenterrightdel
 Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; thanh tra nhiều Bộ, ngành, địa phương và các ban tiếp công dân cơ sở, nhà nghiên cứu.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư sẽ được các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, cơ quan dân nguyện của Quốc hội… trình bày. Trong đó, có chuyên đề “Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” của TS. Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện. Tham luận của Phó Trưởng ban Dân nguyện sẽ khái quát những quy định của Đảng và Nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. TS. Đỗ Văn Đương khẳng định: “Việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay”. Cụ thể là, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp; trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Trên cơ sở đó, TS. Đỗ Văn Đương nêu rõ về thực tiễn (ưu điểm và tồn tại, hạn chế) thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương, tại các bộ, ngành; công tác xử lý đơn thư, giải quyết khiếu, tố cáo của người đứng đầu; thực trạng giám sát khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử đối với việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, đưa ra những giải pháp để các công tác này được triển khai thực hiện tốt hơn trong thực tế.

Hiện nay, pháp luật về tiếp công dân ở nước ta tương đối đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân; quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh cũng như trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân; trình tự thủ tục tiếp công dân, các điều kiện bảo đảm cho công tác tiếp công dân; phương pháp, cách thức tổ chức tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn có liên quan phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, tham luận “Hoàn thiện pháp luật tiếp công dân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Một phiên tiếp công dân định kỳ của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh. (Ảnh: Huy Trần)

Bên cạnh đó, vấn đề về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là những người trực tiếp làm công tác này vì nó liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của họ. Đây cũng là chủ đề tham luận “Bàn về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân” của TS. Mai Văn Duẩn, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh. Ông Mai Văn Duẩn đã nêu rõ những bất cập, không thống nhất trong quy định nội dung nêu trên đối với cán bộ tiếp công dân. Từ thực tiễn thực thi quy định pháp luật về tiêu chuẩn đối với cán bộ tiếp công dân, ông đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất về quan niệm, định nghĩa thống nhất về cán bộ tiếp công dân, người tiếp công dân, để làm cơ sở quy định các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho phù hợp, sát thực.

Cùng với các vấn đề chung về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, Hội thảo cũng nhận được nhiều tham luận của các đại biểu về thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác này tại một số Bộ, ngành, địa phương cụ thể, như: “Một số kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn ở Thanh tra Bộ Công an” của Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Lê Xuất, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an; “Quảng Ninh: Chủ động và quyết liệt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, của ông Điệp Văn Chiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh; “Một số giải pháp của Thanh tra tỉnh Nam Định giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC” của ông Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định…

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung phong phú từ lý thuyết đến thực tế, Hội thảo “Kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư” do Tạp chí Thanh tra tổ chức hứa hẹn sẽ là một diễn đàn quý báu để các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước chia sẻ những kinh nghiệm hay, hữu ích về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư - công tác đặc biệt quan trọng tiến tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Minh Nguyệt

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra