Nâng cao trách nhiệm thi hành pháp luật của sở ngành, địa phương ở Phú Thọ
Thứ năm, 29/09/2022 11:15 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) – UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các địa phương rà soát, bảo đảm điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ người dân các thông tin pháp luật, thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch các nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân.
Đây là một trong những giải pháp để thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023 – 2030.
Theo Kế hoạch số 3621/KH-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ ban hành ngày 19/9/2022, mục đích của Đề án nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Kế hoạch xác định 4 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Đề án gồm: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị; Đầu tư, hỗ trợ nguồn lực, công nghệ thông tin bảo đảm cho các hoạt động phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân của các cơ quan, tổ chức; Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2023 đến năm 2030 trên phạm vi toàn tỉnh.
Sở Tư pháp là cơ quan được giao chủ trì tham mưu UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án theo yêu cầu của Bộ Tư pháp./.
CTV Phú Thọ