Trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo

Thứ ba, 04/01/2022 17:51
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT), Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã chủ trì hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2021 “Trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo” (Đề tài).

Theo Chủ nhiệm Đề tài, ThS. Đào Thị Thu Hà, mục tiêu nghiên cứu nhằm làm rõ những vấn đề lý luận chung và thực trạng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo; đồng thời, nêu những ưu điểm, hạn chế cũng như nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật về vấn đề này.

Đề tài đã đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện quy định pháp luật; tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đồng thời, Đề tài cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo như: thiếu cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin về tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý còn mang tâm lý e ngại khi thực hiện những vụ việc trong lĩnh vực pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo; chưa huy động được nguồn lực tham gia vào trợ giúp pháp lý…

leftcenterrightdel
ThS. Đào Thị Thu Hà - Viện CL&KHTT trình bày tại một hội thảo. Ảnh: L.A 

Cũng theo ThS. Hà, Đề tài đã nêu bốn nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, bao gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý, chế tài xử lý; Bổ sung quy định tại Nghị định số 123/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện công tác trợ giúp pháp lý của luật sư; Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể khi tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý.

Theo ThS. Lê Đức Trung, Viện CL&KHTT, Đề tài đã đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; thông tin tài liệu đáng tin cậy và cho thấy bức tranh toàn cảnh về quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân tại Việt Nam. Nhiều giải pháp được đề ra có tính khả thi và có thể áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, Đề tài cần làm rõ thêm phần nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, các giải pháp cũng cần bám sát vào nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã nêu.

TS. Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng: Đề tài có thể bổ sung thêm hoạt động thực tiễn có sự trợ giúp pháp lý tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, Đề tài cần làm rõ hai mục tiêu: Hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân, bởi hoạt động tiếp công dân là hoạt động đầu vào của hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự tham gia của trợ giúp pháp lý.

TS. Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu, đây là Đề tài hay và chưa có công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Kết quả báo cáo tổng thuật ngắn gọn, logic, xúc tích, các nội dung nghiên cứu đã đề cập đến mọi vấn đề có liên quan… Để hoàn thiện kết quả nghiên cứu, Chủ nhiệm Đề tài cần cân nhắc thể hiện mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể để tạo sự khác biệt.

Với kết quả đạt được của Đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đạt kết quả xếp loại Xuất sắc./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra