“Xử lý người có hành vi tham nhũng”: Yêu cầu khách quan và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư, 29/07/2020 16:51
(ThanhtraVietNam) - Ngày 29/7/2020, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức Hội thảo Đề tài khoa học cấp bộ: “Xử lý người có hành vi tham nhũng”. Đề tài do TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Đề tài.

TS. Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, hiện nay, tham nhũng ở nước ta là một trong những vấn đề nóng. Đảng coi tham nhũng là một trong bốn nguy cơ của chế độ. Nhận thức sâu sắc về tính nguy hại của các vấn đề do tham nhũng gây ra, Đảng có nhiều Nghị quyết, chỉ thị và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh có hiệu quả với những hành vi tham nhũng. Thực tế là, từ khi có Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự quy định về các tội phạm tham nhũng các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, trong 10 năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ, các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn, đã khởi tố 2530 vụ án tham nhũng với 5447 bị can, truy tố 2959 vụ, 6935 bị can, xét xử 2628 vụ với 5870 bị cáo.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Đề tài trình bày tại Hội thảo. Ảnh:L.A 

“Tuy nhiên, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém. Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn chậm được phát hiện và xử lý. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, việc xác định trách nhiệm của người có hành vi tham nhũng chưa đầy đủ, Bên cạnh đó, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được... Những tồn tại, hạn chế liên quan đến việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu trên làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng”, TS. Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ.

Đề tài “Xử lý người có hành vi tham nhũng” triển khai các nội dung sau: Một số vấn đề lý luận về xử lý hành vi tham nhũng; xử lý người có hành vi tham nhũng; quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý người có hành vi tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: L.A

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc nghiên cứu Đề tài “Xử lý người có hành vi tham nhũng” nhằm tìm ra những tồn tại, hạn chế để từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý người có hành vi tham nhũng là yêu cầu khách quan và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học của việc đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý người có hành vi tham nhũng. 

Tuy nhiên, để Đề tài có giá trị thực tiễn hơn, Ban chủ nhiệm cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Chương I, một số vấn đề lý luận về xử lý hành vi tham nhũng bổ sung nội dung sau: khái niệm tham nhũng, đặc điểm của hành vi tham nhũng, vai trò của việc xử lý hành vi tham nhũng, vấn đề nhận thức và công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo là một yếu tố ảnh hưởng đến việc xử lý người có hành vi tham nhũng, yếu tố ảnh hưởng việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật hay việc áp dụng các quy định pháp luật trong việc xử lý người có hành vi tham nhũng còn chung chung, cần thể hiện rõ hơn. 

Ngoài ra, Đề tài cần bổ sung nội dung nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự và thủ tục xử lý hành vi tham nhũng; sự khác biệt trong việc xử lý hành vi tham nhũng tại Việt Nam; phân loại người có hành vi tham nhũng khu vực Nhà nước và người có hành vi tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước. Chương II, thực trạng xử lý người có hành vi tham nhũng, Đề tài nên cơ cấu lại, đánh giá thực trạng theo trụ cột: khái quát tình hình, thực trạng việc xử lý và đánh giá chung về xử lý người có hành vi tham nhũng. Chương III, quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý người có hành vi tham nhũng nên có giải pháp cụ thể về công tác chỉ đạo, điều hành.

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm Đề tài cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, đồng thời sẽ tiếp thu để hoàn thiện đề cương trước khi đưa vào triển khai nghiên cứu trong thời gian tới./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra