Theo đó, tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân; đồng thời, việc tố cáo phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Tố cáo. Vậy vấn đề được đặt ra là một cá nhân có thể đại diện cho cá nhân khác hay nói cách khác là nhân danh và vì lợi ích của cá nhân khác để thực hiện quyền tố cáo hay không?
Trước tiên, về vấn đề đại diện, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện; cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Các căn cứ để xác lập quyền đại diện bao gồm: Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật). Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì có hai hình thức đại diện là đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật.
Đối chiếu với quy định của Luật Tố cáo, tại Điều 9 Luật Tố cáo quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo nhưng không có quy định về quyền người tố cáo trong việc cử người khác đại diện thay cho mình (đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật) để thực hiện việc tố cáo. Bên cạnh đó, tại Điều 23 Luật Tố cáo quy định về việc tiếp nhận tố cáo lại có quy định về được cử “người đại diện cho những người tố cáo”, cụ thể là việc cử “người đại diện cho những người tố cáo” được thực hiện trong trường hợp nhiều người tố cáo về cùng một nội dung, có thể bằng hình thức viết đơn, hoặc đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tố cáo thì khi cử “người đại diện cho những người tố cáo” chỉ yêu cầu người được cử làm đại diện phải là người tố cáo và tất cả những người tố cáo cần phải cùng thống nhất, xác nhận cử người đó làm đại diện, ký xác nhận vào trong Đơn tố cáo hoặc văn bản có nội dung tố cáo, mà không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào khác. Nói cách khác, việc cử “người đại diện cho những người tố cáo này” đơn giản chỉ là việc cử một người trong số những người có cùng nội dung tố cáo làm đại diện, khác với việc đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật được quy định tại Bộ luật Dân sự như đã nói ở trên. Người đại diện cho những người tố cáo này sẽ là người trực tiếp làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình thụ lý giải quyết tố cáo.
Mặt khác, tại Điều 29 Luật Tố cáo quy định về việc thụ lý tố cáo thì một trong những điều kiện để thụ lý tố cáo là “người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy, Luật Tố cáo đã quy định trường hợp nếu người tố cáo không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; đồng thời, như đã phân tích ở trên, theo quy định tại Bộ luật Dân sự thì có hai hình thức đại diện: Một là đại diện theo ủy quyền; hai là đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, đối với người không có đủ năng lực hành vi dân sự thì việc ủy quyền cho người khác làm đại diện thay mình (đại diện theo ủy quyền) không thể thực hiện được vì việc ủy quyền không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật (người ủy quyền phải có đủ năng lực hành vi dân sự), chỉ có thể có người đại diện theo pháp luật (cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện; người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự).
Từ những phân tích ở trên, theo chúng tôi, Luật Tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan có quy định về việc đại diện trong thực hiện quyền tố cáo của công dân, nhưng chỉ là việc đại diện theo pháp luật (trong trường hợp người tố cáo không có đủ năng lực hành vi dân sự). Việc cử người đại diện đối với tố cáo đông người và có cùng nội dung tố cáo, không có bất kỳ quy định nào về việc cá nhân được ủy quyền cho người khác thực hiện quyền tố cáo thay mình (đại diện theo ủy quyền). Cá nhân thực hiện việc tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Đồng thời, người tố cáo được áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định pháp luật./.
Vũ Thị Minh Ngân
Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk