Bàn về tổ chức, biên chế Thanh tra cấp huyện

Thứ năm, 24/11/2011 10:17
(ThanhtraVietnam) - Theo thứ bậc hành chính, cơ quan Thanh tra cấp huyện là tổ chức thấp nhất trong hệ thống các cơ quan Thanh tra nhà nước.

Tập thể thanh tra huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Vũ Anh


Trước đây, theo Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 có quy định chức năng thanh tra nhà nước ở cấp xã và giao cho Chủ tịch UBND xã đảm nhận. Khi xây dựng Luật Thanh tra năm 2004 đã đưa ra quan điểm: Không đặt vấn đề thanh tra nhà nước ở cấp xã vì qua thực tiễn thi hành Pháp lệnh Thanh tra việc thực hiện chức năng này ở cấp xã không rõ nét và nhiều hạn chế nên đã  chọn giải pháp tăng cường cơ quan Thanh tra cấp huyện đủ mạnh để tiến hành thanh tra đối với hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã. Luật Thanh tra năm 2010 tiếp tục kế thừa quan điểm của Luật Thanh tra 2004 về thanh tra đối với cấp huyện và xã. Đây là một quan điểm  phù hợp thực tiễn; việc tự thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm để khắc phục chưa phát huy tác dụng  với điều kiện của xã hội ta hiện nay.

Đặt vấn đề là vậy, quan điểm đó là đúng. Thế nhưng qua gần 7 năm triển khai thực hiện vấn đề tổ chức, biên chế cơ quan Thanh tra cấp huyện ở Quảng Ngãi không mấy thay đổi so với thời kỳ thực hiện  theo Pháp lệnh Thanh tra 1990. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân. Bài viết này xin phân tích và đề nghị một số vấn đề liên quan đến  cơ chế đảm bảo hoạt động cho cơ quan thanh tra cấp huyện về mặt tổ chức và biên chế.

Trước hết, tác giả thống nhất cao với nguyên tắc bố trí biên chế trên cơ sở xác định rõ ràng, rành mạch khối lượng công việc. Vì công  việc mà bố trí con người. Theo Luật Thanh tra 2010, Thanh tra huyện  là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Về thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra (Điều 27 Luật Thanh tra)  bao gồm chức năng quản lý nhà nước và  thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, của UBND  cấp xã. Lấy đơn vị hành chính cấp huyện trung bình trong tỉnh Quảng Ngãi có 15 xã, phường, thị trấn  và 15 phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc (ngoài các Phòng chuyên môn theo quy định của Chính phủ .còn có Ban Quản lý các dự án đầu tư; trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm văn hóa – thể thao…) tổng  cộng có khoảng 30 đầu mối trực thuộc UBND cấp huyện là đối tượng thanh tra của Thanh tra cấp huyện. Bình quân 05  năm mỗi đầu mối thuộc UBND cấp huyện được thanh tra một lần thì mỗi năm cơ quan Thanh tra cấp huyện ít nhất phải tiến hành 6 cuộc thanh tra (có thể gắn với thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo  và phòng, chống tham nhũng với việc quản lý kinh tế, xã hội của UBND cấp xã); bình quân  mỗi cuộc thanh tra  có 02 công chức của  Thanh tra huyện, tiến hành  thanh tra trong  30 ngày  và 10 ngày để viết báo cáo thanh tra và kết luận thanh tra (trường hợp không quá phức tạp).

Ngoài ra,  UBND cấp huyện còn có nhiệm vụ quản lý đối với các trường học từ bậc phổ thông cơ sở trở xuống và các hợp tác xã; đây cũng là đối tượng cần phải thanh tra; đồng thời Thanh tra cấp huyện cũng phải thanh tra các chuyên đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND huyện về thuế, quản lý đất đai, lao động, môi trường, quản lý chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách người có công, chi bảo trợ xã hội, an sinh xã hội do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên địa bàn.

Để làm được nhiệm vụ thanh tra tương đối toàn diện thì ít nhất cũng phải có 03 biên chế chuyên trách cho lĩnh vực này; trong đó có 01 Phó Chánh thanh tra phụ trách và 02 thanh tra viên hoặc chuyên viên giúp việc.

Về thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thanh tra huyện phải tiếp dân thường xuyên theo ngày, giờ hành chính. Trong điều kiện bình thường không có đột biến thì công việc tiếp dân, xử lý đơn, tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn để tham mưu Chủ tịch UBND huyện báo cáo cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp; đôn đốc Chủ tịch UBND cấp xã  giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiến hành xác minh kết luận  bình quân 10 vụ việc  khiếu nại, tố cáo được  Chủ tịch UBND cấp huyện giao; thời gian cần thiết tính bình quân mỗi vụ hoàn thành xác minh, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định giải quyết hết 30 ngày; mỗi vụ xác minh phải có 02 công chức cùng làm (quy định không cho phép một người làm việc với đối tượng). Với công việc đó, thì số lượng biên chế để đảm bảo mảng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có 03 người; trong đó có 01 Phó Chánh thanh tra phụ trách và 02 thanh tra viên hoặc chuyên viên.

Về nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND huyện quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng và thực hiện chống tham nhũng. Đặt công việc này thường xuyên lồng ghép trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, phần công việc không thể lồng ghép như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập, tổng hợp báo cáo cho Thanh tra cấp trên; phối hợp công tác với kiểm tra, điều tra;  hướng dẫn nghiệp vụ cho Thanh tra nhân dân; tổng hợp tình hình, giúp Chủ tịch UBND huyện báo cáo  định kỳ hàng tháng; Chuẩn bị báo cáo 6 tháng, 01 năm trình HĐND huyện. Với nhiệm vụ này thì ít nhất phải có 01 biên chế chuyên trách giúp cho Chánh thanh tra.

Chánh thanh tra cấp huyện, thường là Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ huyện, Ủy viên kiêm chức của UBKT Huyện ủy, Ủy viên UBND huyện và tham gia làm thành viên của nhiều Hội đồng do UBND huyện thành lập; nhiều đồng chí còn là đại biểu Hội đồng nhân dân, báo cáo viên về chính trị, báo cáo viên pháp luật của huyện nên thời gian dành làm công việc của cơ quan Thanh tra chỉ có khoảng từ 30 -50% quỹ thời gian, còn lại phải làm các nhiệm vụ thuộc  các tổ chức mà đồng chí là thành viên. Do đó Chánh thanh tra cấp huyện khó có thời gian để trực tiếp làm Trưởng đoàn thanh tra, trực tiếp xác minh khiếu nại, tố cáo mà phải giải quyết thông qua công chức tham mưu.

Với những phân tích công việc nêu trên cho thấy: đối với 01 huyện trung bình có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thì cần phải có  ít nhất là 08 biên chế mới có thể hoàn thành toàn diện nhiêm vụ được giao theo Luật Thanh tra 2010. Trong đó cơ cấu  cơ quan Thanh tra  cấp huyện gồm: Chánh thanh tra trực tiếp phụ trách công tác phòng, chống tham nhũng; có 02 Phó chánh thanh tra, một phụ trách công tác thanh tra, một phụ trách công tác tiếp dân, giải quyết khiếu niệu, tố cáo. Về chuyên môn nên ưu tiên đối với chuyên môn  ngành luật, tài chính công, quản lý đất đai và được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức nghiệp vụ thanh tra, quản lý nhà nước.

Liên hệ thực trạng hiện nay ở Quảng Ngãi cho thấy: Tỉnh có 13 huyện và 01 thành phố; tổng biên chế Thanh tra cấp huyện chỉ có 66 người; bình quân mỗi huyện chưa đến 05 người. Các huyện lớn như Tư Nghĩa (18 xã, thị trấn), Đức Phổ (15 xã, thị trấn) Ba Tơ (21 xã, thị trấn). Sơn Hà 14 xã, thị trấn)… biên chế cũng chỉ có từ 03 đến 05 người là quá ít để có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Trong nhiều năm qua, nhiều cơ quan Thanh tra cấp huyện chỉ mới tập trung toàn lực cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng tỉ lệ giải quyết vẫn thấp, tồn đọng khiếu nại, tố cáo còn nhiều; nhiều vụ đã tồn đọng nhiều năm. Công tác thanh tra một số huyện cả năm không làm được đoàn thanh tra nào nên tác dụng phòng ngừa tiêu cực của thanh tra còn hạn chế.

Biên chế nhiều hay ít hầu như phụ thuộc vào sự quan tâm riêng của UBND mỗi huyện. Thanh tra tỉnh không có vai trò cụ thể ảnh hưởng đến quyết định biên chế cho Thanh tra huyện vì sự trao đổi, đề nghị của Thanh tra tỉnh đối với các địa phương không có giá trị ràng buộc về chính trị, pháp lý đối với quyết định  của UBND  cấp huyện về việc phân bổ biên chế cho cơ quan  Thanh tra  huyện, vì không có một văn bản quy phạm ràng buộc cụ thể  về vấn đề này.

Để xây dựng cơ quan Thanh tra cấp huyện đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ theo Luật Thanh tra 2010 trong điều kiện hướng đến mục tiêu: tăng cường dân chủ ở cơ sở, thiết lập trật tự kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng nhằm  xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì không thể không quan tâm chú trọng xây dựng cơ quan Thanh tra cấp huyện về mọi mặt. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa đến  tổ chức Thanh tra cấp huyện. Thanh tra cấp huyện có mạnh thì mới đáp ứng yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo tại nơi xảy ra vụ việc, giảm được áp lực khiếu nại, tố cáo lên cấp tỉnh và Trung ương; Thanh tra huyện có mạnh mới góp phần quan trọng làm cho chính quyền cơ sở vững mạnh; hạn chế tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở chính quyền cấp xã (đối tượng bị tố cáo nhiều nhất hiện nay), giảm bức xúc của người dân. Kiến nghị Thanh tra chính phủ phối hợp với bộ Nội vụ  ban hành Thông tư liên tịch quy định rõ về biên chế, tổ chức cụ thể cho cơ quan Thanh tra cấp huyện; chỉ tiêu biên chế tính trên các căn cứ: Đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc,  số lượng dân số và theo  khu vực đồng bằng, miền núi, hải đảo. Số lượng tối thiểu phải có là 5 người trở lên; bình quân phải có được 8 biên chế. Có như vậy, mới góp phần đưa Luật Thanh tra 2010, các Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 đi vào đời sống thực tiễn./.

Lữ Ngọc Bình
Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra