Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004, một loạt quan niệm về văn hóa được đưa ra như: Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội.
Theo tổ chức giáo dục và khoa học của Liên Hiệp Quốc UNESCO: Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia.
Có nhiều quan điểm về giao tiếp, nhưng đều thống nhất về bản chất là giao tiếp là một hiện tượng xã hội thể hiện các mối quan hệ người với người, với thiên nhiên qua các hiện tượng giao lưu, ứng xử thông qua trực tiếp tiếp xúc, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
Quan điểm giao tiếp văn hóa theo lý luận văn hóa Mác - Lê nin thì cho rằng trong quá trình phát triển xã hội, giao tiếp văn hóa được xem là có vị trí đặc biệt, nó chính là một thành tố thuộc bản chất năng động của con người, cái làm cho văn hóa phát triển liên tục. Giao tiếp diễn ra trong môi trường văn hóa, trong những nền văn hóa nhất định, gắn liền với từng bối cảnh, điều kiện văn hóa cụ thể. Giao tiếp văn hóa góp phần làm cho con người hoàn thiện và trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, hầu hết các công việc của các công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ công vụ đều được tiến hành thông qua con đường giao tiếp. Chất lượng của nền hành chính công tùy thuộc vào chất lượng của các quá trình giao tiếp được tiến hành. Để tiến hành giao tiếp có hiệu quả, cán bộ, công chức, viên chức cần hiểu bản chất, cần biết các loại giao tiếp và các nguyên tắc, công cụ cho giao tiếp hợp lý.
Đối với công chức thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ công vụ đều trực tiếp tiếp xúc với con người (cá nhân, tổ chức) liên quan đến nhiệm vụ công vụ của công chức thanh tra. Mục tiêu của các buổi giao tiếp của công chức thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ công vụ là vừa để bảo vệ pháp luật, đồng thời vừa đảm bảo hài hòa các lợi ích của nhà nước, của xã hội, của tổ chức và cá nhân. Giá trị cao nhất của “văn hóa giao tiếp thanh tra” là giữ vững kỷ cương pháp luật, đảm bảo sự công bằng xã hội theo tinh thần phụng công thủ pháp, chí công vô tư của Hồ Chí Minh. Công chức thanh tra giao tiếp với tư cách là đại diện ngành thanh tra, đại diện cho cơ quan nhà nước và vừa là đại diện cho nền văn hóa dân chủ xã hội chủ nghĩa, công chức là công bộc của dân. Giao tiếp thanh tra nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ của ngành với chất lượng và hiệu quả cao nhất; đem lại lợi ích cho nhà nước, cho nhân dân theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thể hiện được bản chất của chế độ và truyền thống vốn có của dân tộc. Việc giao tiếp phải dựa trên quan điểm tôn trọng, biết lắng nghe, biết cách thuyết phục, biết cách xây dựng các mối quan hệ hợp tác vì quyền lợi ích hợp pháp và nghĩa tình của các bên. Công chức, viên chức thanh tra phải tuân thủ pháp luật, xử lý mọi tình huống linh hoạt “có lý, có tình” trong từng trường hợp giao tiếp cụ thể, phải lấy giáo dục, thuyết phục làm chính. Tất cả nhằm đảm bảo xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Khi giao tiếp với các đối tượng, người công chức thanh tra phải chuẩn bị kỹ về tâm lý, nắm chắc pháp luật, đảm bảo chứng cứ đầy đủ, sẵn sàng đối thoại đấu tranh để làm sáng tỏ chân lý của sự việc một cách khách quan và chính xác.
Theo Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, thì khi giao tiếp thực hiện nhiệm vụ công vụ, công chức thanh tra cần ứng xử có văn hóa, tôn trọng danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác; chân thành, có tinh thần hợp tác, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có quan hệ công tác có phát ngôn, thái độ, hành vi không phù hợp thì phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt xử lý phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nhưng để làm tốt quy tắc ứng xử nói trên thì công chức thanh tra cần hiểu rõ và trang bị cho bản thân phẩm chất văn hóa giao tiếp khi thực hiện nhiệm vụ công vụ. Để có được điều đó, trước hết, công chức thanh tra phải có ý thức học tập và rèn luyện bản thân, có tinh thần hết lòng phục vụ Nhân dân. Muốn giao tiếp có văn hóa thì bắt buộc phải có văn hóa. Văn hóa giao tiếp là giá trị được vun đắp qua thời gian, vì cuộc sống phát triển và được chắt lọc thành bản sắc văn hóa giao tiếp xã hội và giao tiếp nghề nghiệp. Công chức thanh tra là người quản lý xã hội mang tính đặc thù, luôn “như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được” Hàng ngày, công chức thanh tra thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều đối tượng là người dân đi khiếu kiện, người quản lý, doanh nhân… Các đối tượng này có văn hóa giao tiếp cũng như thái độ cư xử khác nhau. Tâm lý chung là người khiếu kiện luôn muốn mình thắng kiện, người vi phạm muốn “tai qua nạn khỏi”, người quản lý trực tiếp muốn mọi việc đều êm xuôi. Đứng trước những tình huống này, người công chức thanh tra phải tinh tế, bình tĩnh ứng xử có văn hóa, làm cho mọi đối tượng đều “tâm phục khẩu phục” trên cơ sở pháp luật, chứng cứ, thái độ đúng mực, tình lý rõ ràng và đối thoại thẳng thắn.
Tóm lại, văn hóa giao tiếp của công chức nhà nước nói chung, công chức thanh tra nói riêng là một vấn đề rất cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ công vụ cũng như trong đời sống cá nhân. Muốn được xã hội tin yêu thì mỗi công chức nhà nước, công chức thanh tra phải tự hoàn thiện mình, tự chỉnh đốn mình để đảm bảo văn minh, lịch sự, có văn hóa ứng xử tốt. Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ quan thanh tra cũng nên tạo điều kiện cho công chức nhà nước, công chức thanh tra được đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp khi thực hiện nhiệm vụ công vụ, nhằm nâng cao uy tín, khẳng định được niềm tin yêu của nhân dân đối với ngành thanh tra nói riêng và cơ quan quản lý hành chính nhà nước nói chung./.
Phạm Thùy Dương
Trường Cán bộ Thanh tra