Thời gian gần đây, chúng ta quan tâm nhiều hơn tới công tác thu hồi tài sản, bởi vì ngày càng nhận thức được rằng, tham nhũng không có mục đích gì khác là chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, cho nên mục tiêu của đấu tranh chống tham nhũng chính là bảo vệ, thu hồi được tài sản của Nhà nước, Nhân dân bị chiếm đoạt. Những vụ án gây thất thoát hoặc bị chiếm đoạt lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, mới thấy hết được ý nghĩa và yêu cầu của việc thu hồi tài sản bức bách như thế nào.
Vừa qua, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 (Chỉ thị 04) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là lần đầu tiên có một văn bản của Đảng chuyên về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng quyền hơn nữa cho thanh tra viên, kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội… Chỉ thị 04 coi thu hồi tài sản là “nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác phòng chống tham nhũng”. Đó là một tư tưởng xuyên suốt và được coi trọng trong thời gian gần đây. Chỉ thị này thể hiện một cách mạnh mẽ, rõ ràng như một cú hích lớn để cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ làm tốt hơn, thậm chí xem lại cơ chế chính sách còn vướng mắc để tiếp tục sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hồi tài sản.
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nguồn; Internet
Trước hết, Chỉ thị 04 nhấn mạnh việc cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng chỉ ra rằng ở đâu cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản, thì ở đó các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, tiền bạc, tài sản bị chiếm đoạt thất thoát được thu hồi chiếm tỷ lệ cao. Thời gian gần đây, công tác này đã có những chuyển biến rõ nét theo hướng không nhất thiết phải chờ tòa án xét xử thì tài sản mới được thu hồi. Điển hình là trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, chúng ta đã thu hồi toàn bộ tài sản thất thoát ngay trước khi xét xử. Đây là vụ án thu hồi được tài sản nhiều nhất từ trước đến nay, với tổng số tiền thu hồi là 8.845 tỷ đồng trên tổng số 8.697 tỷ đồng của vụ án. Mặc dù hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có gì thay đổi nhưng tại sao lại thu hồi được số tài sản lớn như vậy là do có sự chỉ đạo kịp thời. Chính vì vậy, một trong những bài học quan trọng nhất ở vụ án này đó là có sự chỉ đạo của Trung ương với tinh thần “rõ đến đâu xử đến đấy”, “làm đến đâu thu đến đấy”.
Đặc biệt, Chỉ thị đã chỉ ra những biện pháp lâu dài, có tính chất đổi mới mạnh mẽ, căn bản nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội”. Cho đến nay, chúng ta mới chỉ thu hồi tài sản thông qua bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Tức là tòa án phải kết án một người nào đó, sau đó mới tiến hành thu hồi tài sản trên cơ sở bản án hình sự đó. Đây chính là vấn đề rất lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đó là việc, trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập, có những trường hợp người kê khai che giấu tài sản hoặc giải trình không hợp lý số tài sản tăng thêm, nguồn gốc tài sản không rõ ràng, nhưng chúng ta mới chỉ xử lý sự không trung thực ở góc độ kỷ luật cán bộ, còn việc xử lý số tài sản đó như thế nào, thì về mặt luật pháp vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ bàn về vấn đề này một cách thấu đáo và toàn diện để kịp thời tháo gỡ những trường hợp rất khó xử lý trong thực tế. Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu và đưa ra những kiến nghị ban đầu về vấn đề thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội. Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04 là điều kiện thuận lợi để có những sửa đổi, bổ sung pháp luật cần thiết, khắc phục những hạn chế, vướng mắc này, để làm sao chúng ta có thể thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát mà không cần qua bản án hình sự hoặc các hình thức khác. Những bất cập, vướng mắc trong việc kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp cũng cần sớm khắc phục.
Chỉ thị 04 cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Đây là những định hướng quan trọng cần lưu ý trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010, đặc biệt là cơ quan Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 được xác định là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và giao cho các quyền hạn mạnh mẽ để một mặt xác định tính trung thực của việc kê khai tài sản, mặt khác yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản, bảo đảm cho việc thu hồi tài sản sau này
Để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản kịp thời, Chỉ thị 04 cũng nhấn mạnh cần phải khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hoá tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Đấu tranh chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát nói riêng là vấn đề rất khó khăn, phức tạp vì qua nhiều khâu, nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, vì vậy sự phối hợp giữa các cơ quan là yếu tố quan trọng để hiệu quả thu hồi được thuận lợi và nhanh chóng. Chỉ thị 04 yêu cầu nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Toà án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong toả, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong toả, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và thi hành án dân sự.
Con người là yếu tố quyết định trong việc đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống, vì vậy Chỉ thị 04 nêu rõ cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm, chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị 04 cũng nhắc nhở cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng là một trong những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh chống tham nhũng. Sự tham gia giám sát của xã hội, người dân và báo chí là rất quan trọng; phải biết tận dụng và phát huy tối đa nguồn tin từ quần chúng nhân dân. Đó là thông tin rất tốt nhưng để tận dụng tối đa nguồn thông tin này thì cần phải có cơ chế phù hợp để tiếp nhận, giải quyết kịp thời, từ đó mới khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vào công tác đấu tranh, phát hiện hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với việc Việt Nam là một nước thành viên của Công ước quốc tế về chống tham nhũng nên cần tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Một Chỉ thị của Đảng chưa phải một thiết chế, nhưng nó là định hướng mà các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần quán triệt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, là cơ sở để các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Chỉ thị 04 của Ban Bí thư cũng là một tuyên ngôn rất mạnh mẽ, một lời cảnh tỉnh đối với những người có mưu đồ xấu muốn chiếm đoạt, che giấu tiền bạc, tài sản của Nhà nước và Nhân dân./.
TS. Đinh Văn Minh
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ