Đánh giá thực trạng quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo hiện nay

Thứ hai, 22/11/2021 16:26
(ThanhtraVietNam) - Để khuyến khích công dân đấu tranh với các hành vi vi phạm trong xã hội, chúng ta phải tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi bảo vệ người tố cáo, để họ không trở thành đối tượng bị “đe dọa”, “trả thù”, “trù dập”. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật tố cáo hiện nay về bảo vệ người tố cáo ít nhiều vẫn chưa thực sự cụ thể, nên gây ra không ít khó khăn cho công tác bảo vệ người tố cáo trong thực tế.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Luật Tố cáo năm 2018 đã được thông qua với 9 Chương, 67 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019. Luật đã dành hẳn 01 Chương (Chương VI: từ Điều 47 đến Điều 58) để quy định về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, Điều 47 của Luật quy định phạm vi bảo vệ người tố cáo bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo. Cũng theo quy định của Điều này, đối tượng được bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi...; Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người có thẩm quyền giải quyết tố cáo; đồng thời cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ và các nội dung cơ bản về bảo vệ người tố cáo. Triển khai chế định này của Luật, ngày 10/04/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ - CP của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tố cáo, có hiệu lực thi hành ngày 28/05/2019, trong đó có dành một số điều khoản quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo và cơ quan được yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ trong việc bảo vệ người tố cáo.

 Để khuyến khích công dân đấu tranh với các hành vi vi phạm trong xã hội, chúng ta phải tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi bảo vệ người tố cáo, để họ không trở thành đối tượng bị “đe dọa”, “trả thù”, “trù dập”. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật tố cáo hiện nay về bảo vệ người tố cáo ít nhiều vẫn chưa thực sự cụ thể, nên gây ra không ít khó khăn cho công tác bảo vệ người tố cáo trong thực tế. Cụ thể:

Thứ nhất, về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo.

Bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo là một nguyên tắc trong công tác giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, do mô hình cơ quan, tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo là những tập thể với nhiều bộ phận khác nhau nên nếu cán bộ, công chức và những người có liên quan chưa được quán triệt sâu sắc, nâng cao ý thức về việc giữ gìn bí mật thông tin của người tố cáo thì quy định này khó có thể đảm bảo. Nhiều trường hợp, vì muốn bao che, có thái độ nể nang nên thông tin về người tố cáo vẫn bị tiết lộ. Hiện nay, theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 31/2019 có quy định về chế tài xử lý kỷ luật hình thức “cảnh cáo” đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo làm lộ thông tin cá nhân của người tố cáo: “Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo;”. Với quy định này thì trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin chỉ thuộc về một mình người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Vậy cán bộ tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo ví dụ như: cán bộ tiếp công dân ở các trụ sở tiếp dân, cán bộ tiếp nhận của cơ quan, đơn vị khác trong trường hợp cơ quan đó không có thẩm quyền giải quyết,…nếu làm lộ danh tính người tố cáo sẽ bị xử lý như thế nào, thiết nghĩ cần có thêm quy định làm rõ hơn cho những trường hợp này, để quy định về bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo được hoàn thiện hơn.

Thứ hai, về căn cứ để yêu cầu bảo vệ người tố cáo.

Điều 47 Luật Tố cáo 2018 quy định về người được bảo vệ, phạm vị bảo vệ như sau:

1. Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

2. Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

3. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Như vậy, theo quy định tại khoản 3, Điều 47 thì “khi có căn cứ” cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm, hoặc bị trù dập, phân biệt, đối xử về việc làm, vị trí công tác,…của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo thì tùy từng trường hợp họ có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an, cơ quan, tổ chức có liên quan áp dụng biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là “có căn cứ” theo quy định trên đang còn là một vấn đề khó xác định vì quy định này mang tính định tính, không liệt kê hoặc định lượng được ở mức độ nào, những biểu hiện nào, những hành vi nào thì được coi là “có căn cứ”. Vì vậy, trên thực tế có thể dẫn đến một trong hai tình huống: Một là, việc tố cáo chưa thực sự có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, chưa thực sự có thể xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm… của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo nhưng khi được yêu cầu, người có thẩm quyền, trách nhiệm vẫn quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ. Trường hợp này không những gây tốn kém không cần thiết mà còn gây ra những ảnh hưởng không tốt về mặt tâm lý, dư luận xã hội,…Hai là, tình huống thực sự rất cần phải bảo vệ người tố cáo nhưng có thể do quan điểm chưa đủ “căn cứ” nên người có thẩm quyền, trách nhiệm chưa kịp thời áo dụng các biện pháp bảo vệ dẫn đến hậu quả việc bảo vệ người tố cáo không đạt yêu cầu theo quy định. Từ đó, nhận thấy Thanh tra Chính phủ cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng, tổng kết thực tiễn, rà soát về vấn đề bảo vệ người tố cáo để làm rõ những tình huống, hành vi có thể được coi là “căn cứ”, đồng thời cũng đưa một số tiêu chí cho việc được coi là có “căn cứ”, sau đó hướng dẫn thống nhất áp dụng cho việc bảo vệ người tố cáo trên phạm vi toàn quốc.

Thứ ba, về trách nhiệm phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong bảo vệ người tố cáo.

Theo quy định của Luật Tố cáo và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo trước hết thuộc về người giải quyết tố cáo, sau đó là trách nhiệm của các cơ quan phối hợp như cơ quan quản lý người tố cáo tại nơi công tác, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan công an có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan khác. Có thể nói về mặt nguyên tăc, việc quy định như vậy đã cơ bản khắc phục được tình trạng người tố cáo “phải tự mình tìm người, cơ quan, tổ chức bảo vệ mình”, hạn chế được khả năng đùn đẩy, né trành trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, nếu việc phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan không tốt, thì việc bảo vệ người tố cáo vẫn khó có thể đạt yêu cầu trên thực tiễn, nhất là trong các tình huống bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo, nên cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan hơn trong từng trường hợp cụ thể.

Thứ tư, vấn đề về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phương tiện, kinh phí bảo vệ người tố cáo hiện nay cũng là một trong những bất cập hạn chế trong bảo vệ người tố cáo.

Hiện nay, liên quan đến việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo thì vấn đề nguồn kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất bảo vệ người tố cáo không được quy định rõ ràng, cụ thể nguồn kinh phí bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo sẽ trích từ nguồn ngân sách nào, và cơ quan nào trực tiếp chi trả nên cũng gây khó khăn khi  thực hiện áp dụng.

Như vậy, quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo hiện nay, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Nhìn chung, các quy định này chưa thực sự cụ thể, rõ ràng, nặng về hình thức, xét thấy chúng ta cần phải có những quy định cụ thể hơn, để đáp ứng được yêu cầu trong việc bảo vệ người tố cáo, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích công dân thực hiện các quyền Hiến định của mình theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, còn tình trạng công dân vẫn chưa nắm được các quy định pháp luật tố cáo về quyền của mình và cơ chế bảo vệ khi đứng ra tố cáo được quy định như thế nào. Trong khi đó, nhiều vụ việc tố cáo giải quyết chưa triệt để, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây mất lòng tin của nhân dân với cơ quan nhà nước nói chung, và cơ quan có thẩm quyền giải quyết nói riêng. Nhiều đối tượng bị tố cáo sử dụng các thủ đoạn mua chuộc, đe dọa và thực hiện các hành vi bạo lực khiến cho người tố cáo hoang mang, lo sợ. Công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào quá trình giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo chưa được thường xuyên; sự tham gia của các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông, luật sư chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ cụ thể, cơ chế thực hiện các biện pháp bảo vệ cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo hầu như chưa được quy định một cách rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc quy định còn sơ sài, một số nội dung quy định chưa thực sự cụ thể, nặng về hình thức.
Nhìn chung, các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo; chưa quán triệt sâu sắc ý nghĩa và nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tham gia vào quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo về việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tố cáo nói chung còn chưa nhiều để người dân có thể hiểu được và yên tâm sẵn sàng tham gia tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, chưa động viên, khuyến khích được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng.  

Tóm lại, công tác giải quyết tố cáo nói chung và vấn đề bảo vệ người tố cáo nói riêng đã được pháp luật thừa nhận, coi trọng và được cụ thể hóa bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật và xác định việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến việc triển khai thực hiện những quy định này trong thực tế, chính vì vậy cần tiếp tục nâng cao, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo hơn để đảm bảo đem lại hiệu quả áp dụng trên thực tế.

 Ths Đào Thảo Ly

Giảng viên Khoa giải quyết khiếu  nại, tố cáo và PCTN,  Trường Cán bộ Thanh tra


   

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra