PV: Thưa ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam, được biết, trên phạm vi cả nước, việc phát hiện tham nhũng qua thanh, kiểm tra nội bộ còn là một khâu yếu. Tại Quảng Nam, công tác này được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tiến:
Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, việc phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thông qua 03 nhóm biện pháp, đó là: Phát hiện qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện tham nhũng qua hoạt động giám sát (của cơ quan dân cư, đại biểu dân cử…), thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử và phát hiện qua phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực; việc phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.
Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó có một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng được phát hiện, xử lý qua công tác xử lý đơn phản ánh, tố cáo từ nội bộ.
|
|
Ông Huỳnh Ngọc Tiên, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị Tập huấn về kiểm soát tài sản, thu nhập và xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ảnh: Thanh Nhung |
|
|
Ông Võ Văn Nhân, Trưởng phòng phòng Thanh tra, phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Thanh Nhung
|
|
|
Thanh tra tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị về kiểm soát tài sản, thu nhập và xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ảnh: Thanh Nhung |
Thanh tra tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, quy định của Luật Tố cáo năm 2018 về bảo mật thông tin về người tố cáo, bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thanh tra tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo toàn ngành chú trọng công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định các đơn thư phản ánh, tố cáo vụ việc có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng phát sinh từ nội bộ; kịp thời xác minh, tham mưu kết luận, xử lý các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cùng cấp; gắn công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác phối hợp trong tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho lực lượng thanh tra nhân dân, kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua thanh, kiểm tra nội bộ cũng còn một số hạn chế.
Một trong những hạn chế được Chính phủ chỉ ra trong nhiều kỳ báo cáo là khâu tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn yếu. Cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay chưa phát huy được hiệu quả. Quảng Nam cũng không ngoại lệ, kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh Quảng Nam những năm qua cũng đã nêu rõ hạn chế này.
Việc không phát hiện được hành vi tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ có thể là một điều đáng mừng. Điều đó cho thấy, có thể cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác phòng, ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có thể có nguyên nhân từ những điều “tế nhị” khác.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Tiến:
Có một mâu thuẫn là, tình hình tham nhũng trong các năm luôn được nhận định là diễn biến phức tạp, song trên thực tế lại rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.
Đáng nói là, có những cơ quan, đơn vị dù không tự phát hiện nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc lại phát hiện có hành vi tham nhũng. Điều đó cho thấy, việc tự kiểm tra nội bộ về tham nhũng chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Khác với hành vi vi phạm pháp luật khác, hành vi tham nhũng có độ ẩn cao bởi đa số chủ thể của loại tội phạm này là người hiểu biết pháp luật, có chức, có quyền nên việc tự phát hiện tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Điều này cần đòi hỏi đội ngũ thực thi việc kiểm tra nội bộ để phát hiện tham nhũng phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể loại trừ nguyên nhân chủ quan trong việc người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hoặc có cả nguyên nhân từ việc người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ và chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc tự phát hiện tham nhũng bị “ngó lơ” bởi chính người đứng đầu cũng “dính” đến tiêu cực, tham nhũng. Khi người đứng đầu “dính chàm” thì việc phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn yếu cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, không loại trừ có nguyên nhân từ tâm lý ngại va chạm, né tránh, bởi đa số người có hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn; điều này dẫn đến tình trạng biết nhưng không muốn nói, không dám nói, do đó không có biện pháp ngăn chặn hành vi tham nhũng kịp thời.
|
|
Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác kê khai, công khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập theo quy định |
Để công tác phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra nội bộ phát huy hiệu quả, khắc phục hạn chế như đã nêu trên, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức. Triển khai thực hiện tốt 06 nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm công vụ trong nội bộ cơ quan và lĩnh vực quản lý của mình để phát hiện hành vi tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ, phát hiện, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ cơ sở. Cần phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện công tác kê khai, công khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập theo quy định, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ tư, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải chú trọng bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp để phát hiện, xử lý án tham nhũng. Đặc biệt, cơ quan, tổ chức và từng cá nhân triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập; cần công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản để hạn chế tối đa hành vi tham nhũng.
Thứ năm, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan nội chính, giữa các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các cấp nhằm tăng cường việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất.
Thứ sáu, tăng cường phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân tham gia giám sát phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hình chính, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp (như tiếp nhận hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, trả kết quả trực tuyến hoặc qua bưu điện, thông báo trên Cổng thông tin điện tử, qua thư điện tử của người sử dụng...).
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
K. Dung (thực hiện)