Theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập, công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) có phần mờ nhạt, nhưng đến giai đoạn đổi mới và phát triển thì vấn đề này lại nổi lên một cách sôi động. Tổng kết lại các giai đoạn của cuộc PCTN vừa qua, chúng ta bắt đầu tập trung vào các loại tham nhũng lớn, còn các loại hình tham nhũng vặt cũng là tham nhũng nguy hiểm mang tính đặc thù.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN, xử lý tham nhũng vặt vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, nguyên nhân trước hết là về mặt nhận thức, tham nhũng vặt được coi là quá nhỏ, không đáng được chú ý, tức là chưa nhận thức được tác hại của tham nhũng vặt. Cuộc đấu tranh PCTN mới chỉ tập trung vào tham nhũng lớn. Một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, xử lý thiếu khách quan.
“Việc thực thi pháp luật về PCTN nói chung và thực hiện các quy định về PCTN, tham nhũng vặt trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nói riêng chưa nghiêm; kỷ cương, kỷ luật còn bị buông lỏng. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực trong cơ quan nhà nước, trong vị trí công tác; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn hiệu quả chưa cao; việc thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ còn hạn chế”, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung chia sẻ.
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: L.A
Góp ý tại hội thảo, ThS. Lê Văn Đức, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, sản phẩm nghiên cứu của Đề tài đã giải quyết được nhiều mục tiêu đề ra, nhiều thông tin bổ ích và có tính mới. Kết cấu đề tài bao gồm 03 chương là phù hợp, tuy nhiên, dung lượng nội dung trong từng chương lại chưa hợp lý, đặc biệt nội dung thể hiện tại Chương I là ít so với quy định và kết cấu chung của đề tài. Tại Chương I, một số nội dung được thể hiện tản mát ở một số chương sau, nên cần sắp xếp lại cho hợp lý hơn; làm rõ mối quan hệ giữa tham nhũng vặt và tham nhũng lớn; phân tích phương thức thể hiện ra bên ngoài của hành vi tham nhũng vặt. Đối với Chương II, nhiều thông tin có ý nghĩa, đặc biệt là số liệu về PCTN vặt ở một số lĩnh vực quan trọng và địa phương. Tuy nhiên, thông tin tham nhũng vặt ở các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra lại không có nhiều ý nghĩa vì ở đây chủ yếu là những vụ việc lớn và tham nhũng lớn. Ban Chủ nhiệm Đề tài nên đưa các vụ việc được phát hiện qua kênh báo chí thì sẽ phù hợp hơn. Chương III của đề tài nên có các giải pháp, kiến nghị cụ thể về chính sách, pháp luật, đặc biệt là kiến nghị liên quan đến hướng dẫn xử lý các hành vi tham nhũng trong Luật PCTN mà chưa đến mức xử lý hình sự.
TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra góp ý, Chương I cần phân tích thêm biểu hiện của tham nhũng vặt và sự khác biệt với tham nhũng lớn; nội dung chính sách, pháp luật về PCTN, Ban Chủ nhiệm Đề tài mới liệt kê các quy định của Luật PCTN mà chưa có sự phân tích sâu về vấn đề này. Phần thực trạng PCTN vặt cần được trình bày có trọng tâm, các số liệu nên được sử dụng một cách hợp lý hơn với tên đề mục của Đề tài.
Kết thúc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung khẳng định, công tác PCTN, xử lý tham nhũng, tham nhũng vặt vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, tham nhũng vặt hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về PCTN; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tham nhũng vặt chưa được phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp. Từ sự nhận thức về thực trạng trên, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tiếp thu góp ý của các đại biểu tham dự để đưa ra các giải pháp, kiến nghị có giá trị thực tiễn./.
Lan Anh