Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả phân tích thực trạng pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay.
1. Lý thuyết công khai, minh bạch về thông tin trong các tập đoàn kinh tế
Theo Công ước Liên hợp quốc về PCTN (UNCAC) đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn vào ngày 03/7/2009, thì nội dung “công khai, minh bạch” được đặt ra như là tiền đề của quyền con người, bảo vệ quyền con người và PCTN hiệu quả. Cụ thể:
Đối với quyền con người và bảo vệ quyền con người: Con người được quyền hưởng sự công khai, minh bạch, nhất là về thông tin và các vấn đề khác để tồn tại và phát triển. Cũng vì vậy mà Liên hợp quốc coi quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền quan trọng nhất.
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, theo UNCAC cần: Công khai báo cáo tài chính và tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán; công khai các hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại hoặc tịch thu; công khai các bản sao của hồ sơ tài liệu hay thông tin của Chính phủ…và minh bạch trong khu vực công; minh bạch trong sổ sách kế toán, chứng từ, báo cáo tài chính hoặc các tài liệu khác liên quan đến thu, chi công và phòng ngừa việc giả mạo những tài liệu này; minh bạch giữa các tổ chức tư nhân.
Tại Việt Nam, theo sách Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2007 thì công khai là “không giấu diếm, bí mật mà cho mọi người cùng biết”; minh bạch là “sáng rõ, rành mạch”. Thuật ngữ “công khai” thường đi cùng và gắn liền thuật ngữ “minh bạch”. Với ý nghĩa và bản chất như vậy nên “công khai, minh bạch” luôn được sử dụng như một biện pháp hữu hiệu để phòng, chống các hành vi tiêu cực trong các hoạt động có tổ chức như: Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn...
Theo Luật PCTN thì “tập đoàn kinh tế”(1) được xếp vào doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước (hay còn gọi là khu vực tư) và phải thực hiện công khai, minh bạch về thông tin, bởi lẽ đây là một trong những biện pháp PCTN trong khu vực tư.
Cơ sở pháp lý về công khai, minh bạch về thông tin trong các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam thực tế bắt đầu hình thành từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2005, và được sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể: Theo quy định vào thời điểm kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty mẹ còn phải lập các báo cáo sau đây: Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của công ty mẹ và công ty con; báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con (2).
Qua nghiên cứu cho thấy, đến nay ở Việt Nam chưa có khái niệm chuẩn đã được công bố khoa học về công khai, minh bạch về thông tin trong các tập đoàn kinh tế. Do vậy, theo tác giả công khai, minh bạch về thông tin trong các tập đoàn kinh tế có thể hiểu “là việc các tập đoàn kinh tế công bố đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin liên quan đến hoạt động tài chính, kinh doanh và các vấn đề quan trọng về sơ hữu và quản trị doanh nghiệp theo các quy định pháp luật Việt Nam và quy định quản trị nội bộ của các tập đoàn kinh tế”.
Có thể khẳng định rằng: Công khai, minh bạch thông tin là yêu cầu cơ bản bảo đảm sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là tập đoàn kinh tế. Nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng, nơi nào công khai, minh bạch thông tin thì ở nơi đó tập đoàn kinh tế phát triển bền vững. Liên hợp quốc luôn coi công khai, minh bạch và phấn đấu cho một nền quản trị minh bạch là một trong những mục tiêu hàng đầu của mình. Điều này khẳng định Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế đã ghi nhận ý nghĩa của công khai, minh bạch.
2. Thực tiễn thi hành pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế trong thời gian qua tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, do yêu cầu thực thi tính công khai, minh bạch trong quản trị doanh nghiệp nói chung và trong các tập đoàn kinh tế nói riêng được đề cập đến khá thường xuyên trên các diễn dàn, phương tiện truyền thông, các nghiên cứu liên quan đến quản trị công ty ở Việt Nam, dưới góc độ kinh tế cũng như luật pháp. Qua khảo sát nhanh trên trang thông tin điện tử đầu tư chứng khoán tại địa chỉ https://tinnhanhchungkhoan.vn/ có thể nêu lên một số kết quả thực thi pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế thời gian qua như sau:
Thứ nhất, việc công khai, minh bạch về các thông tin liên quan đến hoạt động của tập đoàn kinh tế qua trang thông tin điện tử, qua cổng thông tin điện tử và qua các hình thức khác như họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện khá tốt.
Thứ hai, hoạt động công khai, minh bạch trong tập đoàn kinh tế đã được từng bước thực hiện theo quy định của pháp luật. Bức tranh sử dụng vốn ở những lĩnh vực kinh doanh độc quyền ngày được rõ ràng, sáng tỏ.
Thứ ba, vấn đề xử lý vi phạm việc công khai, minh bạch của các tổ chức, cá nhân và các biện pháp PCTN đã được chú trọng thực hiện. Công tác PCTN đã được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là Luật PCTN năm 2018 là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế nói riêng và khu vực tư nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể:
Một là, cơ chế công khai, minh bạch thông tin chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là việc hoàn thiện các quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong tập đoàn kinh tế nói riêng và khu vực tư nói chung chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ công khai, minh bạch theo quy định nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp chế tài phù hợp.
Hai là, công tác khai báo, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế vẫn còn hạn chế, bất cập. Nội dung của báo cáo thường tập trung vào những thành quả kinh doanh mà tập đoàn đạt được, hiện tượng “làm đẹp” báo cáo vẫn còn xảy ra. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng hoặc báo chí phát hiện thì các doanh nhiệp nói chung và các tập đoàn kinh tế nói riêng mới thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác liên quan đến hoạt động tài chính, kinh doanh và các vấn đề quan trọng về sở hữu và quản trị doanh nghiệp.
Ba là, trách nhiệm công bố thông tin chưa thực sự được chú trọng, việc phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận thông qua quy chế nội bộ về công khai, minh bạch trong các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân, tập đoàn kinh tế Nhà nước chưa được chú trọng, việc xác định trách nhiệm công bố thông tin còn khó khăn. Đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm về công khai, minh bạch trong tập đoàn kinh tế còn nhẹ, chưa có tính răn đe; không có chế tài xử lý vi phạm đối với những cá nhân, tổ chức không thực hiện công khai, minh bạch trong tập đoàn kinh tế.
Bốn là, hiện còn khá phổ biến tình trạng lách luật, khai báo thông tin thiếu trung thực trong các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, những sai phạm trong công khai, minh bạch thường bị phát hiện muộn, tình trạng vi phạm hành chính trong việc đảm bảo tính công khai, minh bạch vẫn tăng cao, việc kê khai thông tin thiếu sự chủ động, nhiều nhất có thể kể đến đó là trong những lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư,...
3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay
Việc hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay cũng có thể xem là một giải pháp PCTN theo Luật PCTN, góp phần hạn chế tham nhũng và lãng phí trong thời gian tới.
Thứ nhất, phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung quy định đối với phương tiện, hình thức công bố thông tin theo hướng mở rộng các hình thức công bố thông tin như trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên báo, đài, mạng xã hội… để người dân thực hiện giám sát và kịp thời phát hiện thông tin không chính xác, không trung thực; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế. Thậm chí nếu cần thiết có thể quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp công bố thông tin không đúng, không trung thực; hoàn thiện quy định về cơ quan quản lý giám sát công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Thứ hai, sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 để bảo đảm thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch về thông tin trong doanh nghiệp nói chung và tập đoàn kinh tế nói riêng. Theo hướng quy định: Trách nhiệm của doanh nghiệp về việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đảm bảo tính chính xác của các thông tin; gửi và công bố báo cáo tài chính và báo cáo đánh giá kết quả hoạt động hằng năm; báo cáo và công khai các báo cáo về tài chính, báo cáo về hoạt động,…
Thứ ba, để các tập đoàn kinh tế hoạt động và phát triển mạnh cần sớm xây dựng Luật riêng về tập đoàn kinh tế, trong đó quy định về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế nhằm hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ để điều chỉnh các quan hệ phức tạp trong tổ chức và hoạt động của mô hình tổ chức kinh tế này. Đặt biệt, Luật sẽ tập trung điều chỉnh về tổ chức hoạt động của tập đoàn kinh tế, về sở hữu, vốn tài sản, về nguyên tắc lãnh đạo và quản lý tập đoàn kinh tế. Đồng thời, quy định những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của tập đoàn kinh tế như tuân thủ quy định của pháp luật; bảo toàn vốn, tài sản và các lợi ích khác của tập đoàn kinh tế; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tập đoàn, các thành viên và người lao động trong tập đoàn.
Thứ tư, xét về mặt pháp lý, việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua tại Việt Nam cũng đang đặt ra các yêu cầu hoàn thiện, tính tương thích với hệ thống pháp luật, cải cách hành chính về cạnh tranh, đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, thuế, tài chính, ngân hàng, sáp nhập và mua lại theo hướng thống nhất, khuyến khích mô hình kinh tế này phát triển. Do vậy, Chính phủ cũng cần sớm ban hành quy định pháp luật quy định về việc thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân, như là một sự thừa nhận chính thức về pháp lý cho loại hình doanh nghiệp này.
Luật gia - Ths.Lê Quang Kiệm
Chú thích:
(1) Theo khoản 10 Điều 3 Luật PCTN và áp dụng phương pháp loại trừ.
(2) Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2014.