Hoạt động giám sát góp phần hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ tư, 14/06/2023 13:58
(ThanhtraVietNam) - Hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói chung, giám sát thực hiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN nói riêng trong thời gian qua đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường và chú trọng thực hiện.

Hàng năm, Quốc hội đều quan tâm và dành thời gian để thảo luận các báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, về tình hình kinh tế - xã hội, về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tiến hành thẩm tra các báo cáo nói trên trước khi trình Quốc hội. Trong đó, Ủy ban Tư pháp được giao chủ trì tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Ủy ban Tài chính – Ngân sách được giao chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Ủy ban pháp luật được giao chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo thẩm tra là một kênh thông tin quan trọng giúp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nắm được thự chất và có cơ sở để đánh giá chính xác hơn về tình hình công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng năm đều tiến hành giám sát việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội trong một phiên chất vấn

Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát đánh giá hiệu quả công tác PCTN

Hàng năm, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều có những hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề về PCTN, công tác quản lý kinh tế - xã hội để PCTN. Từ năm 2012 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát các chuyên đề về PCTN và các chuyên đề có liên quan đến công tác PCTN, trong đó có một số chuyên đề quan trọng như: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật  về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến hết năm 2018”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 – 2016”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoan 2016 – 2021”… Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm, vụ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát việc tuân theo pháp luật và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo lĩnh vực được phân công; việc giám sát các nội dung được tiến hành lồng ghép cùng với giám sát công tác PCTN. Đối với Ủy ban Tư pháp, thời gian qua cũng tiến hành giám sát chuyên đề về “chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ”, tiến hành nhiều cuộc khảo sát về tình hình công tác PCTN, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát, các cơ quan của Quốc hội đã phát hiện một số sai phạm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và có những kiến nghị về việc chấp hành pháp luật của các cơ quan này trong công tác PCTN, trong quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, tiêu cực. Bên cạnh việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, còn đề nghị chấn chỉnh kịp thời các sai sót, vướng mắc, hoạt động giám sát còn góp phần quan trọng vào việc hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật về PCTN, tiêu cực, quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, tiêu cực, cung cấp những thông tin cần thiết để Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, làm cơ sở cho việc xem xét thông qua các dự án luật có liên quan, nhất là pháp luật về PCTN và quản lý kinh tế - xã hội nhằm PCTN, tiêu cực.

Giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật

Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một kênh quan trọng, vừa góp phần bảo đảm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, vừa là phương thức để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phát hiện những hạn chế trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của cơ quan có thẩm quyền để quyết định tiến hành giám sát chuyên đề, giám sát các vụ án cụ thể khi có khiếu nại gay gắt, bức xúc, kéo dài. Đồng thời, giám sát của Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan đại diện cao nhất với cử tri, Nhân dân. Qua hoạt động giám sát này, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền trong việc khẩn trương trả lời, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, nếu có dấu hiệu tội phạm tham nhũng thì khẩn trương khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Đối với việc giám sát các vụ án cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã có một số kiến nghị yêu cầu Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao giải quyết hoặc chỉ đạo việc giải quyết để bảo đảm các quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, không oan, sai và đồng thời cũng không bỏ lọt tội phạm.

Theo báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội, từ năm 2012 đến nay, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành một số phiên chất vấn đối với thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong đó có nội dung về công tác PCTN, công tác quản lý kinh tế - xã hội để PCTN. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành tổ chức các phiên giải trình về các lĩnh vực được phân công phụ trách. Ủy ban Tư pháp đã tổ chức phiên giải trình về ‘Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của cơ quan hành chính nhà nước” đối với Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công”… Thông qua các phiên giải trình, các cơ quan của Quốc hội đã góp phần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật, bất cập trong các quy định của pháp luật, đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh có hiệu quả việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong thời gian tới.

Thông qua giám sát, nhiều sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách đã được kiến nghị sửa đổi kịp thời

Có thể thấy, nội dung giám sát cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, dư luận xã hội quan tâm; hình thức giám sát ngày càng phong phú, huy động được tối đa nguồn lực cho hoạt động này. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, HĐND các cấp, huy động sự tham gia của báo chí, Nhân dân vào việc phát hiện, báo tin, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN như: Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa kịp thời và đầy đủ; việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp; có rất ít các cơ quan, tổ chức tự phát hiện tham nhũng; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị ít được thực hiện; hoạt động thanh tra, kiểm toán ít phát hiện ra hành vi tham nhũng để chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý; việc phát hiện tham nhũng của cơ quan điều tra, các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng… Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với án tham nhũng, vẫn còn trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can chưa đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp; việc xử lý án tham nhũng một số trường hợp chưa kịp thời, còn tòn đọng, kéo dài.

Trên cơ sở giám sát, Quốc hội đã làm rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác PCTN, lãng phí, công tác quản lý kinh tế - xã hội để PCTN; đã ra nghị quyết về các nội dung này, từ đó đã bước đầu tạo ra các chuyển biến rõ nét hơn trong công tác PCTN, lãng phí. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được đẩy nhanh hơn; công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được quan tâm hơn; công tác thu hồi tài sản tham nhũng chuyển biến tích cực… Thông qua công tác giám sát, nhiều sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách đã được kiến nghị sửa đổi kịp thời./.

 

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra