"Không trùng lặp" trong hoạt động thanh tra

Thứ sáu, 28/07/2023 17:27
(ThanhtraVietNam) - Hoạt động thanh tra chủ yếu là xem xét, đánh giá, xử lý một cách khách quan việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân, do đó, đòi hỏi tính đúng đắn và chính xác cao, phải được tiến hành dựa trên những nguyên tắc nhất định. Trong đó, nguyên tắc “không trùng lặp” được coi là một trong những nguyên tắc tất yếu trong hoạt động thanh tra.

Sự trùng lặp trong các hoạt động thanh tra và trùng lặp giữa hoạt động kiểm toán nhà nước, hoạt động kiểm tra vừa làm lãng phí thời gian, công sức, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán và cơ quan kiểm tra, vừa làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm tra, đơn vị được kiểm toán. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, ngành Thanh tra đã phối hợp cùng với các cơ quan liên quan nỗ lực để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan thanh tra tăng cường sự phối hợp thường xuyên trong công tác xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thanh tra trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm bảo đảm hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, giám sát, kiểm toán nhà nước.

Ở hầu hết các địa phương, trên cơ sở dự thảo kế hoạch thanh tra của các sở, ngành và UBND cấp huyện, Thanh tra tỉnh sẽ là đơn vị tổng hợp, điều phối các cuộc thanh tra, kiểm tra của các đơn vị, trong đó xác định nội dung, thời gian, đối tượng thanh tra, kiểm tra để tránh trùng lặp với các đơn vị khác. Qua đó, hạn chế thấp nhất tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra trên địa bàn. Nhiều địa phương cũng đã có những sáng kiến trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp như tổ chức Hội nghị xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoặc xây dựng phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra...

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã ký Quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước  qua đó, đã khắc phục, hạn chế được sự chồng chéo, trùng lặp giữa kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; từng bước khắc phục sự chồng chéo giữa kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước với kế hoạch của thanh tra bộ, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán, khi phát sinh có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất các phương án để xử lý dứt điểm từng trường hợp chồng chéo, trùng lặp cụ thể.

leftcenterrightdel
Sự trùng lặp trong hoạt động thanh tra gây lãng phí, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thanh tra. (Ảnh: Internet)

Cùng với những nỗ lực của toàn ngành Thanh tra, các quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra cũng đã được cụ thể hóa trong Luật Thanh tra năm 2022.

Điều 4, Luật Thanh tra năm 2022 quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, trong đó có nguyên tắc: Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước; không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra. Về cơ bản, nguyên tắc này đã được kế thừa từ quy định của Luật Thanh tra năm 2010. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ hơn về nội dung “không trùng lặp”, nhằm giúp các cơ quan thanh tra hoạt động theo đúng phạm vi, thời gian, thẩm quyền được pháp luật quy định, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước.

Để đảm bảo không trùng lặp giữa các hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định rõ thẩm quyền thanh tra của từng cơ quan thanh tra, việc xây dựng kế hoạch thanh tra theo hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên; việc lập kế hoạch thanh tra… Theo đó, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh chỉ có một Kế hoạch thanh tra do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của Bộ, của tỉnh được xây dựng trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện nội dung thanh tra đó. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 liệt kê 11 trường hợp có thể trùng lặp phát hiện trong quá trình tiến hành thanh tra, trong đó nêu rõ trùng lặp hoạt động của những cơ quan thanh tra nào với nhau và cách thức xử lý trùng lặp. Đối với những trường hợp trùng lặp khác (ngoài 11 trường hợp được nêu trong Luật) sẽ do Tổng Thanh tra Chính phủ quy định hoặc xem xét, xử lý.

Luật Thanh tra cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết kết quả công tác thanh tra, kiểm toán để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước, thực hiện nguyên tắc một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán. Thủ trưởng cơ quan thanh tra và Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng kiểm toán khu vực, chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động, trao đổi thường xuyên để tránh chồng chéo, trùng lặp khi tiến hành thanh tra, kiểm toán. Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp không thống nhất được ý kiến thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, giải quyết.

Với những quy định cụ thể như trên, hy vọng rằng, sau khi Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan thanh tra khi xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, tránh tình trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra./.

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra