Kiểm soát quyền lực và vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và Nhân dân

Thứ ba, 22/08/2023 14:57
(ThanhtraVietNam) - Công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) của nước ta tuy đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tình hình tham nhũng bước đầu đã được kiềm chế. Tuy vậy, vẫn cần các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức chính trị, xã hội và Nhân dân “hiến kế” để kiểm soát quyền lực hiệu quả, một bước rất quan trọng để chúng ta PCTN, tiêu cực.

Tìm gốc rễ vấn đề để giải quyết căn cơ 

Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay có nhiều thiết chế có vai trò trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực PCTN nhưng kết quả không như mong đợi, phải chăng nguyên nhân là do pháp luật? Hay do con người, hoặc do nguyên nhân nào khác?

Ở nước ta, công cuộc PCTN, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, tuy vậy các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và công cụ để phòng ngừa, xử lý tham nhũng vẫn là bài toán khó cần tiếp tục tìm ra lời giải. Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN đã được nhận diện, đây được xem như là “chìa khóa” để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề nhưng làm sao để giải quyết nó, đem lại hiệu quả như mong muốn thì vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

leftcenterrightdel
 GS.TS. Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: H.T 

Thật vậy, chúng ta tuy đã có quyết tâm chính trị, nhưng để kiểm soát PCTN cần có chiến lược, chiến thuật, kỹ năng kiểm soát quyền lực nhằm PCTN. Nghiên cứu kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND; kiểm soát việc thực hiện trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trên tất cả các mặt hoạt động của các thiết chế này và nhiều vấn đề khác.

GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần phát triển lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam, theo đó cần tập trung giải quyết những câu hỏi như: Nguyên nhân của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay? Có những nguyên nhân nào khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân sản sinh ra từ trong lòng chế độ xã hội, và phải xác định được đúng để có thể giải quyết bài toán PCTN.

Còn với PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQVN, để kiểm soát quyền lực nhằm PCTN chúng ta cần tăng cường giám sát của MTTQVN, các tổ chức chính trị, xã hội và Nhân dân. Vai trò giám sát của MTTQVN, các đoàn thể và Nhân dân đối với bộ máy nhà nước tuy được hiến định và đề cao, song trên thực tế tế, cơ chế để mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền giám sát của mình chưa được quy định đầy đủ và cụ thể.

PGS cho rằng, cần tập trung giám sát hoạt động thực thi quyền lực của các thiết chế chính trị, bộ máy công quyền (như việc đề ra chủ trương, chính sách đúng hay chưa, tệ quan liêu, lạm dụng quyền lực, vô trách nhiệm) vào tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên (suy thoái, tha hóa, biến chất, làm giàu bất chính); giám sát tham nhũng, lãng phí và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát hoạt động tư pháp (giám sát quyết định hành chính sai trái, bản án oan sai).

leftcenterrightdel
PGS.TS. Bùi Xuân Đức, Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: H.T 

MTTQVN các cấp cần tiếp nhận phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nghiên cứu những vụ việc bức xúc để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và giám sát việc giải quyết của cơ quan đó, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Luật PCTN, MTTQVN các địa phương trong cả nước cần kiện toàn, củng cổ, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân; đồng thời phát huy dân chủ, động viên Nhân dân và Ban Thanh tra Nhân dân đẩy mạnh các hoạt động giám sát để phòng ngừa và phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, thường xuyên tổng hợp những ý kiến, kiến nghị bức xúc của cử tri Nhân dân, nhất là những ý kiến, kiến nghị có liên quan đến PCTN, lãng phí để kiến nghị với cơ quan Đảng, Nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết và theo dõi giám sát việc giải quyết đó.

Phân định rõ chủ thể, trách nhiệm, kiểm soát của các chủ thể để hạn chế lạm quyền, PCTN, tiêu cực

Đặc biệt, cần tăng cường và phát huy vai trò giám sát trực tiếp của Nhân dân đối với quyền lực nhà nước nhằm PCTN thông qua việc trang bị cho người dân nhận thức đầy đủ, vai trò, ý nghĩa của giám sát trực tiếp của Nhân dân đối với quyền lực, PCTN, tiêu cực; xác định rõ chủ thể, đối tượng, phương thức giám sát của loại hình giám sát trực tiếp của Nhân dân; khuyến khích Nhân dân tố cáo những hành vi vi phạm, tham nhũng; mở rộng hơn nữa sự công khai, minh bạch, trách nhiệm cung cấp thông tin, giải trình của các thiết chế quyền lực, bảo đảm sự liên kết, trách nhiệm giữa các cơ cấu quyền lực với Nhân dân; phát huy vai trò của thực hiện dân chủ ở cơ sở với PCTN; phát huy vai trò của thực hiện dân chủ ở cơ sở với PCTN; xây dựng và hoàn thiện thể chế để Nhân dân giám sát.

Cũng theo các chuyên gia, chúng ta cần phân định rành mạch quyền hạn, trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Phân định chủ thể tố tụng dựa trên tiêu chí chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, sẽ có các chủ thể buộc tội, chủ thể gỡ tội (bào chữa) và chủ thể xét xử sẽ cơ bản khắc phục được những hạn chế trong quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, đồng thời bảo đảm được sự bình đẳng giữa các chủ thể buộc tội và chủ thể gỡ tội cũng như bảo đảm cho vai trò “trọng tài” của tòa án trong việc đưa ra các phản quyết của mình.

leftcenterrightdel
  PGS. TS Nguyễn Ngọc Chí, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: H.T

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, việc phân định chủ thể tố tụng theo cách này các chủ thể sẽ kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án xuất phát từ nhu cầu, mục đích tự thân các chủ thể. Do đó, sẽ nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong tố tụng hình sự, hạn chế lạm quyền, chống và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; Viện kiểm soát và Cơ quan điều tra tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát có vai trò chỉ huy điều tra, phê chuẩn kết luận điều tra, quyết định truy tố hay không truy tố và bảo vệ quan điểm truy tố tại phiên tòa…

Có thể thấy, những quan điểm này sẽ góp phần định hướng về kiểm soát quyền lực qua đó sẽ tiến một bước quan trọng nhằm PCTN và quan trọng chúng ta cần tìm hiểu, xem xét đâu là nguyên nhân tham nhũng và làm rõ vai trò của các thiết chế xã hội trong kiểm soát quyền lực nhằm PCTN để đạt được mục tiêu PCTN mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra