Đắk Lắk:

Kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Thứ tư, 13/10/2021 16:55
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Chủ động, đồng bộ và thực chất

Đồng chí Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin: “Trong 6 tháng đầu năm 2021, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 279 tổ chức đảng và 9.983 đảng viên. Qua kiểm tra, có 278/278 tổ chức và 9.954/9.983 đảng viên thực hiện tốt nội dung được kiểm tra, những hạn chế đã được nhắc nhở; có 29 đảng viên chưa thực hiện tốt nội dung được kiểm tra, có khuyết điểm, vi phạm được yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Cấp ủy các cấp giám sát 140 tổ chức đảng và 832 đảng viên. Qua giám sát, các tổ chức đảng và đảng viên cơ bản thực hiện tốt nội dung được giám sát, một số mặt hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ rõ, yêu cầu đề ra biện pháp khắc phục.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát chung, trong năm 2020, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 961 tổ chức đảng và hơn 33.000 đảng viên, giám sát 269 tổ chức đảng và hơn 3.000 đảng viên; qua đó đã thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng và 230 đảng viên. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát được nâng cao. Việc xem xét xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện nghiêm minh, chính xác, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra 2 tổ chức đảng trực thuộc, 33 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; giám sát 1 tổ chức đảng, 4 đảng viên về công tác cán bộ. Qua kiểm tra, đã đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác cán bộ, giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp rút ra những kinh nghiệm, phát hiện những bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ, nhất là việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để khắc phục.

Đối với cấp ủy huyện và cơ sở, đã kiểm tra chuyên đề công tác cán bộ đối với 23 tổ chức đảng, 259 đảng viên; giám sát 137 tổ chức đảng 126 đảng viên. Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra 7 tổ chức đảng, 23 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ; kết luận, các tổ chức đảng, đảng viên đều có khuyết điểm, vi phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; có 6 tổ chức đảng và 18 đảng viên vi phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật. Uỷ ban kiểm tra cấp huyện và cơ sở tiến hành kiểm tra 18 tổ chức đảng, 368 đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các quy định và nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; việc tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Qua kiểm tra, đã đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật 12 tổ chức đảng, 233 đảng viên. Kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, công tác kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ ở tỉnh Đắk Lắk thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm cần phải được nhìn nhận để kịp thời khắc phục.

Về hạn chế, nhận thức của một số cấp ủy đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ chưa đầy đủ, thiếu chủ động; số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ của cấp ủy còn ít so với tổng số cuộc kiểm tra, giám sát. Kết quả rà soát công tác cán bộ cho thấy, còn nhiều trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; nhiều trường hợp được quy hoạch và trong điều động, bổ nhiệm một số trường hợp chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục.

Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài; kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị.

Về nguyên nhân, do một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ và quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Một số cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy chưa làm tốt vai trò tham mưu, giúp cấp ủy kiểm tra hoặc chủ trì kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy thực hiện quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ có mặt còn hạn chế, lúng túng, thiếu mạnh dạn.

leftcenterrightdel

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Qua thực tiễn tại tỉnh Đắk Lắk, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đó là:

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tổ chức, kiểm tra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị, trong đó, Uỷ ban Kiểm tra và các cơ quan tổ chức phối hợp, tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Thứ hai, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quyết định và người đứng đầu cơ quan tham mưu về công tác cán bộ. Trong đó, chú trọng trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy trình, số lượng, chất lượng tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ; công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác điều động, luân chuyển cán bộ; việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ; thực hiện chính sách cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Thứ ba, Uỷ ban Kiểm tra các cấp phải chủ động nắm tình hình, phát hiện và tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kể cả cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu trong thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại, kỷ luật đảng liên quan đến công tác cán bộ; xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong công tác cán bộ.

Thứ tư, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, chính sách, pháp luật; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm theo quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách, pháp luật gắn với kiểm soát đạo đức đảng viên, đạo đức công vụ; kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới và ngược lại; kiểm soát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; kiểm soát trong Đảng thống nhất, đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị; kiểm soát của cơ quan quyền lực gắn với việc phát huy vai trò của báo chí và dư luận xã hội.

Thứ năm, thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tính định lượng cụ thể nhằm tạo ra sự rõ ràng, khách quan, qua đó có cơ sở giám sát, kiểm tra đầy đủ, chính xác.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc, hướng dẫn công tác kiểm soát quyền lực trong các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan tổ chức, nội vụ, thanh tra, kiểm tra, nội chính. Đây là đội ngũ nòng cốt trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền và người đứng đầu cấp có thẩm quyền trong kiểm soát quyền lực đối với cấp dưới. Vì vậy, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này phải thực sự nắm vững nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, phải thực sự có trách nhiệm và tâm huyết, có đạo đức, có tính chiến đấu cao, không ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh./.

   Nguyễn Văn Chiến

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra