1. Thực trạng cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1.1. Thực trạng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hoạt động giám sát bầu cử đều được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm và chú trọng thực hiện. Ở Trung ương, ngoài việc ban hành văn bản hướng dẫn về công tác Mặt trận giám sát bầu cử; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn cử nhiều đoàn công tác đến hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước để vừa hướng dẫn, kiểm tra vừa theo dõi, giám sát các giai đoạn bầu cử; đồng thời, còn cử đại diện tham gia các đoàn đi giám sát bầu cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử.
Ở các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các kế hoạch hoặc văn bản hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cuộc bầu cử; nhiều nơi đã tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt công tác này cho cán bộ Mặt trận cơ sở và ban thanh tra nhân dân cấp xã nhằm phát huy vai trò của các tổ chức này để giám sát các giai đoạn trong cuộc bầu cử. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành còn phối hợp với Ủy ban bầu cử và các tổ chức thành viên để thành lập các đoàn đi giám sát tất cả các khâu trong cuộc bầu cử từ cấp huyện tới tận cơ sở; hoặc tự mình đi kiểm tra, chỉ đạo và giám sát Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bầu cử.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, có thể thấy giám sát việc xây dựng pháp luật của Nhà nước là một trong những nhiệm vụ giám sát chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Những năm gần đây trung bình mỗi năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến khoảng 60 dự án luật, pháp lệnh và nghị định(1). Nhiều dự án luật, pháp lệnh đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được mời tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đã có nhiều kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Để việc tham gia góp ý kiến có chất lượng, hiệu quả thiết thực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn lắng nghe và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì vậy, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên góp phần làm giảm những sai sót trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, văn bản ban hành sẽ sát với thực tiễn xã hội góp phần bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, tạo sự đồng thuận xã hội và tăng tính khả thi, sớm đi vào đời sống. Nhiều kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xử lý cán bộ, công chức tham nhũng đã được cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xem xét giải quyết; từng bước giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư và cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn khu dân cư nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định ở khu dân cư, khắc phục và giảm thiểu những hạn chế, thiếu sót, vi phạm để tiếp tục phát huy những mặt mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, những năm qua công tác giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của Mặt trận Tổ quốc đối với các cơ quan Nhà nước vẫn còn yếu bởi về khách quan do pháp luật quy định vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc chưa đầy đủ, thiếu cơ chế để thực hiện. Mặt trận Tổ quốc một số nơi còn rất lúng túng, có sự nể nang, né tránh.
Ngoài ra, những cơ chế về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập cần giải quyết như: Hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật, từ Hiến pháp đến các đạo luật, nghị định, thông tư hướng dẫn do nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nên thiếu tính tập trung, thống nhất. Các chủ thể thực hiện quyền giám sát trong cơ chế giám sát còn rời rạc, thiếu đồng bộ, hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như của cả hệ thống giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước chưa cao.
Đối với hoạt động giám sát trực tiếp của công dân chưa có cơ chế để hiện thực hóa một cách đầy đủ trong khi đó một số quyền chính trị, dân sự bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân mới chỉ tồn tại ở những quy định có tính nguyên tắc, tuyên ngôn như quyền tham gia quản lý Nhà nước, quyền tiếp cận thông tin. Cơ chế pháp lý về tiếp cận thông tin ở nước ta chưa đồng bộ, trong khi đó hoạt động hành chính thiếu minh bạch đã làm hạn chế sự tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý Nhà nước với tính chất là người giám sát, phản biện xã hội.
Pháp luật về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn chung chung, ít khả thi, tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật với các cấp độ hiệu lực pháp lý khác nhau, trong đó, tồn tại những quy định không thống nhất, không cụ thể, chưa bảo đảm tính toàn diện. Hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ mang tính kiến nghị, không có tính bắt buộc, trong khi đó chưa có quy định về các biện pháp để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, đề nghị đối với cơ quan hành chính. Cơ chế pháp lý về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp giữa giám sát Nhà nước với giám sát Nhân dân.
1.2. Thực trạng cơ chế phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Những năm gần đây, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có khá nhiều văn bản điều chỉnh một cách gián tiếp các vấn đề liên quan đến hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “...Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2). Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá, rà soát cơ chế liên quan đến hoạt động phản biện xã hội, có thế nhận thấy, bên cạnh một số những ưu điểm đã làm được thì hoạt động xây dựng và hoàn thiện cơ chế về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, đó là: Hoạt động triển khai xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn thực hiện khá chậm trễ. Nội dung và hình thức pháp luật về phản biện xã hội còn nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho những chủ thể thực hiện phản biện xã hội. Các chủ thể khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã không đề cao tính thống nhất của pháp luật, dẫn đến hiện tượng các quy định liên quan đến phản biện xã hội được xây dựng một cách không có hệ thống, gây khó khăn cho các chủ thể khi muốn tiếp cận cơ sở pháp lý cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, chưa xây dựng được một cơ chế rõ ràng để điều chỉnh đối với hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực tế hiện nay đang thiếu những quy định rõ ràng và cụ thể về cơ chế tiếp nhận ý kiến phản biện và chế tài đối với việc không tiếp nhận ý kiến phản biện. Hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp nhận xử lý các ý kiến phản biện của các chủ thể có thẩm quyền.
Cơ chế liên quan đến phản biện xã hội cũng chưa được định hình một cách rõ ràng. Trong các văn bản pháp luật hiện hành vẫn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm, chế tài từ phía Nhà nước như cung cấp thông tin, minh bạch hóa… để các chủ thể của quyền lực xã hội có điều kiện phản biện. Những quy định vẫn chỉ nhấn mạnh phương thức, nội dung phản biện theo yêu cầu của đối tượng chịu sự phản biện, chưa tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích vai trò phản biện độc lập, chủ động, tích cực của các pháp nhân và thể nhân, tổ chức và cá nhân nên kết quả còn hạn chế.
Theo chủ trương của Đảng, nhiệm vụ cấp bách được đề ra đối với các chủ thể có thẩm quyền hiện nay là xây dựng được cơ chế pháp lý dành riêng cho phản biện xã hội. Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị đã được ban hành; Hiến pháp 2013 đã ghi nhận; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua nhưng việc thể chế hóa, cụ thể hóa bằng những quy định cụ thể vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn.
2. Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Xuất phát từ những hạn chế, tồn tại của cơ chế về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chưa thực sự tạo được những căn cứ pháp lý hữu hiệu cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện quyền giám sát. Do vậy, cần hoàn thiện cơ chế theo hướng như sau:
- Xây dựng cơ chế pháp lý bảo đảm cho Nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ, công chức và các tổ chức, cơ quan đảng, Nhà nước phải trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng, tăng cường hoạt động giám sát của Nhân dân.
- Hoàn thiện cơ chế về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đồng nghĩa với hoàn thiện cơ chế để thực hiện và mở rộng dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Cần có cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thu hút và sử dụng những người thật sự có đức, có tài, có dũng khí, dám và có kỹ năng thực hiện giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, có chính sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức.
- Đảm bảo các điều kiện về tài chính, vật chất thực thi công tác giám sát; có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích cán bộ công tác tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cần có sự phân cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản biện các vấn đề quốc gia; Mặt trận địa phương phản biện những vấn đề của địa phương.
- Bên cạnh đó, phải có cơ chế, tổ chức hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hợp lý, chặt chẽ. Khẩn trương và thường xuyên tổ chức các hình thức bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của các tổ chức chính trị - xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, đặc biệt quan tâm việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao các kỹ năng giám sát cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận.
- Đổi mới phương thức phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan Nhà nước cùng với việc tăng cường sự tham gia của Nhân dân trong hoạt động giám sát. Tiến tới pháp luật hóa mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên với nhau trong việc hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động để thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra để thực hiện quyền giám sát của mình. Đồng thời, cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải sâu sát hơn với các tầng lớp Nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh của Nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước.
- Cần xây dựng các quy định, quy trình cụ thể để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản biện các vấn đề về nội dung của dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xem xét sự tuân thủ quy trình ban hành văn bản về thẩm quyền, quá trình soạn thảo, thông qua; về kết cấu của văn bản; tính chặt chẽ, lô gíc, tính chính xác của các thuật ngữ được sử dụng, sự trong sáng của lời văn, mức độ phù hợp với khả năng nhận thức, ý thức pháp luật của Nhân dân.
- Không ngừng nâng cao nhận thức của Nhân dân về tầm quan trọng trong hoạt động phản biện xã hội của họ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Cần nâng cao ý thức chính trị và ý thức pháp luật của Nhân dân thông qua việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về quyền giám sát và phản biện xã hội của họ. Bên cạnh đó, cần nâng cao dân trí và có biện pháp cụ thể để khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia đối thoại với đảng viên, cán bộ, công chức và các tổ chức, cơ quan đảng, Nhà nước. Trang bị cho Nhân dân các thông tin và kiến thức cần thiết để họ có thể tự mình trực tiếp thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước đang biến đổi phức tạp, vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có thách thức, khó khăn, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước để phát huy sức mạnh tập hợp toàn dân tộc và điều có ý nghĩa quyết định là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động mọi nguồn lực từ các tầng lớp Nhân dân. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò to lớn và rất quan trọng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải phát huy lợi thế của mình, thực hiện có hiệu quả chức năng của một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi các thành viên đa dạng, trong đó giám sát và phản biện xã hội là một chức năng nổi bật. Hoàn thiện cơ chế về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một quá trình, cần tuân thủ các quan điểm định hướng, chỉ đạo, nhằm đạt được mục đích cao nhất là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, vì lợi ích chung của toàn dân, của dân tộc./.
Ths. Phạm Thu Hương
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chú thích:
(1) Báo cáo số 49/BC-MTTW-BTT ngày 15/1/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam.
(2) Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 (2014), Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội.
5. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
6. Thang Văn Phúc và Nguyễn Minh Phương (chủ biên) (2007), Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ở nước ta hiện nay. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.