Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Luật Thanh tra năm 2022

Thứ hai, 13/11/2023 16:44
(ThanhtraVietNam) - Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ 01/7/2023, đến nay sau hơn 04 tháng đi vào cuộc sống, bước đầu đã khắc phục được một số bất cập trong Luật Thanh tra năm 2010, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn vướng mắc chưa được hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh quy định tại Khoản 5 Điều 24 về xử phạt hành chính, luật không quy định những hành vi vi phạm hành chính nào thì Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt. Từ đó, nảy sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau: (1) Chánh Thanh tra tỉnh chỉ xử phạt xử phạt hành chính đối với lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Thanh tra; (2) Chánh Thanh tra tỉnh xử phạt các lỗi vi phạm hành chính được phát hiện qua thanh tra.

Thứ hai, về vị trí, chức năng của Thanh tra sở quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 26 nêu Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây “Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, những tiêu chí để xác định thế nào là phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp thì chưa được hướng dẫn.

Thứ ba, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Khoản 2 Điều 52 khi triển khai thực hiện, trong trường hợp Người ra quyết định thanh tra đồng thời là Trưởng đoàn thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra vừa có trách nhiệm tổ chức, vừa chỉ đạo Đoàn thanh tra. Như vậy, sẽ không đảm bảo tính khách quan trong hoạt động thanh tra.

Đồng thời, đối với trường hợp Chánh Thanh tra sở, ngành, huyện, thị muốn lập một Đoàn thanh tra nhưng cần lực lượng của các phòng, ban chuyên môn khác thì cần tiến hành như thế nào? (do Chánh Thanh tra không thể điều người của các phòng, ban khác).

leftcenterrightdel
Luật Thanh tra năm 2022 đã khắc phục được một số bất cập trong Luật Thanh tra năm 2010, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn,vướng mắc cần được hướng dẫn cụ thể.

Thứ tư, về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra quy định tại Khoản 1 Điều 77 nêu“ Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết”.

Tuy nhiên, tiêu chí để xác định trường hợp nào là “khi cần thiết” đối với quy trình thẩm định của dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh lại chưa được hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn tới tình trạng có thể áp dụng khác nhau.

Đồng thời, tại khoản 2, Điều 77, quy định: “Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện thẩm định) để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định”.

Tuy nhiên, Luật không quy định điều kiện, tiêu chuẩn của cá nhân, đơn vị được giao thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; những trường hợp không được tham gia thẩm định, khi không đảm bảo được tính khách quan của kết quả thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Mặt khác, việc phân công nhiệm vụ chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục (các mẫu văn bản), thời hạn thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và quyền, nghĩa vụ của cá nhân, đơn vị thực hiện thẩm định, trách nhiệm đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện việc thẩm định.

Một khó khăn, vướng mắc khác trong nội dung này đối với Thanh tra huyện và sở, ngành rất khó giao cho cá nhân nào đảm nhiệm việc thẩm định dự thảo kết luận, vì lực lượng rất mỏng (chỉ có 3 đến 5 người trong một đơn vị).

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022; rất mong trong thời gian sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành các Văn bản hướng dẫn cụ thể các vấn đề nêu trên để Luật Thanh tra năm 2022 thực sự đi vào cuộc sống./.

Trịnh Công Minh - Thanh tra Hà Tĩnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra