Một số vấn đề trong xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của lực lượng công an Nhân dân hiện nay

Thứ tư, 17/06/2020 15:59
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, ngày 13/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2014/NĐ-CP quy định tổ chức và hoạt động Thanh tra Công an Nhân dân (CAND). Đây là văn bản quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường các hoạt động thanh tra và thực hiện các chính sách đối với Thanh tra CAND. Tuy nhiên, sự thay đổi bộ máy tổ chức của Bộ Công an đã dẫn đến thay đổi hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND. Vì vậy, các quy định của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP liên quan đến tổ chức của Thanh tra CAND không còn phù hợp với thực tế.

Theo Nghị định số 41/2014/NĐ-CP, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND được quy định tại Điều 3 và phân chia thành 03 nhóm. Cụ thể, (1) nhóm thứ nhất là nhóm hệ thống các cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND (Khoản 1), gồm 4 cấp: Thanh tra Bộ; Thanh tra các Tổng cục, Bộ Tư lệnh; Thanh tra Công an cấp tỉnh và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Thanh tra Công an cấp huyện. Trên thực tế, các cơ quan thanh tra đã được triển khai ở 03 cấp, đối với Công an cấp huyện chưa thành lập Đội thanh tra, chỉ bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. (2) Nhóm thứ hai là nhóm cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong CAND (Khoản 2), gồm 01 đơn vị là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. (3) Nhóm thứ ba là các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra (Khoản 3), gồm các Vụ, Cục, Viện, Học viện, Trường CAND…

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng: “Bộ tinh gọn, tỉnh vững mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Theo đó, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND có sự biến động lớn do việc sáp nhập, giải thể; hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND chỉ còn lại Thanh tra Bộ và Thanh tra Công an cấp tỉnh, giải thể các cơ quan: Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Bộ Tư lệnh, Thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sự thay đổi về tổ chức bộ máy đặt ra yêu cầu cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2014/NĐ-CP. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND hiện nay, đảm bảo tính khoa học, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để đáp ứng được các tiêu chí trên, cần giải quyết một số vấn đề đặt ra sau đây:

Thứ nhất, xác định mô hình tổ chức thanh tra tại các đơn vị trực thuộc Bộ

Theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, các đơn vị trực thuộc Bộ hiện nay gồm: (1) 47 đơn vị nghiệp vụ, tham mưu, chính trị, hậu cần, thanh tra; (2) các học viện, trường CAND, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an ninh, bệnh viện và các tổ chức khác thuộc Bộ Công an (BCA) (các đơn vị này đang tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn). Trong số 47 đơn vị đã được sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, có 02 đơn vị thành lập Phòng Thanh tra là: Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (theo Quyết định số 3997/QĐ-BCA ngày 06/8/2018 của Bộ trưởng BCA) và Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (theo Quyết định số 4001/QĐ-BCA ngày 06/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an).

leftcenterrightdel
 Thanh tra Bộ Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017 (ảnh minh họa - Internet)

Thực tế trên đặt ra vấn đề là phải xác định vị trí của 02 cơ quan thanh tra trên như thế nào cho hợp lý? Nếu quy định theo hướng, xác định là một cấp trong hệ thống cơ quan thanh tra và gọi chung là Thanh tra cấp Cục, theo hướng này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành tổ chức thanh tra độc lập khác tại các Cục trực thuộc Bộ, không đảm bảo tinh gọn bộ máy. Còn nếu quy định theo hướng liệt kê cụ thể 02 cơ quan thanh tra trong điều khoản quy định về hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND sẽ không đảm bảo tính khoa học, rất cứng nhắc, bó buộc và gây cản trở cho việc thành lập tổ chức thanh tra tại Công an các đơn vị khác khi yêu cầu thực tiễn công tác đặt ra.

Bên cạnh việc xác định vị trí của 02 cơ quan thanh tra nêu trên thì cần tính toán xây dựng quy định về mô hình tổ chức thanh tra tại các đơn vị trực thuộc Bộ như thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu về tinh gọn bộ máy nhưng đồng thời phải giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng thanh tra, kiểm tra trong hoạt động quản lý Nhà nước, nhất là đối với các đơn vị có nhiều đầu mối và quân số lên tới hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ như: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Cục Công nghiệp an ninh…

Thứ hai, sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và tổ chức bộ máy tham mưu thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong CAND.

Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 41/2014/NĐ-CP quy định: Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Quy định này hiện chưa có sự thống nhất với quy định tại Điều 6 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/2/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành (Bộ Công an không có cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành).

Điều 20 Nghị định 41/2014/NĐ-CP quy định, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có Thanh tra chuyên ngành và xác định Thanh tra chuyên ngành Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là đơn vị cấp phòng. Và mới đây nhất, tại Quyết định số 3997/QĐ-BCA ngày 06/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an thì cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có Thanh tra phòng cháy, chữa cháy. Các quy định này là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thanh tra 2010: “Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập”.

Thứ ba, có nên quy định Thanh tra Công an cấp huyện thuộc hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND.

Nghị định 41/2014/NĐ-CP quy định, Thanh tra Công an cấp huyện là một cấp thuộc hệ thống các cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND. Tuy nhiên, qua 05 năm triển khai thực hiện, tại Công an cấp huyện trong phạm vi cả nước chỉ bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác thanh tra.

Theo Từ điển Tiếng Việt năm 2001 của Viện Ngôn ngữ học (Tr 215), “Cơ quan là đơn vị trong bộ máy Nhà nước hoặc đoàn thể, thường làm những nhiệm vụ về hành chính, sự nghiệp”. Vì vậy, việc bố trí một hoặc hai cán bộ, chiến sĩ làm công tác thanh tra chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tại Công an cấp huyện hiện nay thì không thể coi đó là một cơ quan thanh tra trong hệ thống các cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND.

Việc tiếp tục kiện toàn tổ chức thanh tra Công an cấp huyện để đảm bảo giải quyết các công việc đặt ra, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng cho cơ sở, xây dựng Công an huyện toàn diện và đưa lực lượng chính quy về Công an xã hay bãi bỏ quy định này tại Nghị định 41/2014/NĐ-CP để đảm bảo tinh gọn bộ máy là vấn đề cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Để giải quyết những vấn đề đặt ra trong xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND, thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2014/NĐ-CP theo hướng nên tiếp tục quy định hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND theo 03 nhóm: (1) Nhóm các cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND (Khoản 1); (2) Nhóm cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong CAND (Khoản 2); (3) Nhóm các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra (Khoản 3). Tuy nhiên, cần sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức của mỗi nhóm theo hướng sau:

1. Đối với hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND, nên quy định gồm 03 cơ quan là: Thanh tra Bộ Công an; Thanh tra Công an cấp tỉnh; các cơ quan thanh tra khác do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập.

Như vậy, hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND được định hình cố định ở 02 cấp bộ và tỉnh, nhóm còn lại được quy định theo hướng linh hoạt, bao gồm các cơ quan thanh tra đã được thành lập tại đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan thanh tra có thể sẽ được thành lập ở các đơn vị khác. Xây dựng theo hướng này sẽ khắc phục được cả hai điểm hạn chế đã nêu, đó là đảm bảo yêu cầu tinh gọn bộ máy, đồng thời tránh xu hướng cứng nhắc, bó buộc trong quy định về tổ chức bộ máy thanh tra trong giai đoạn có thể có những thay đổi để ngày càng hoàn thiện hơn.

Với quy định này thì Thanh tra Công an cấp huyện sẽ không còn là một cấp trong hệ thống các cơ quan thanh tra Nhà nước trong CAND như quy định tại Điều 3 Nghị định 41/2014/NĐ-CP. Điều này phù hợp với tình hình thực tế vì qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị định 41/2014/NĐ-CP, quy định về Thanh tra Công an cấp huyện không có tính khả thi. Hơn nữa, tại Thông tư số 42/2018/TT-BCA ngày 25/12/2018 của Bộ Công an quy định tổ chức bộ máy của Công an cấp huyện không quy định việc thành lập Đội Thanh tra.

2. Đối với quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cần giữ nguyên quy định Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Mặc dù chưa có sự thống nhất với Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/2/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, nhưng việc giữ nguyên quy định Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi tiến hành sửa đổi Nghị định 41/2014/NĐ-CP là cần thiết, vì những nguyên nhân sau:

Một là, quy định trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy 2013 (Khoản 29 Điều 1, quy định lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có chức năng, nhiệm vụ: “Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định”); Quyết định số 3997/QĐ-BCA ngày 06/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: “Tổ chức thanh tra chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…”

Hai là, qua 05 triển khai thực hiện Nghị định 41/2014/NĐ-CP cho thấy, công tác thanh tra chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã góp phần quan trọng đối với công tác phòng ngừa, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ. Theo báo cáo(*) của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, từ năm 2015 đến tháng 6/2019 Cục đã tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với 09 Tổng Công ty, Tập đoàn lớn, với tổng số 307 đơn vị cơ sở trực thuộc. Qua thanh tra, phát hiện trên 650 tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đưa ra 290 kiến nghị, lập 58 biên bản vi phạm của đối tượng thanh tra để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 01 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đề xuất giữ nguyên quy định Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cần sửa đổi quy định về cơ quan Thanh tra chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy tại Điều 20 Nghị định 41/2014/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thanh tra: “Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập”.

Tại Điều 9 Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 quy định: “Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành được thành lập tại cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quyết định của người có thẩm quyền”.

Để đảm bảo phù hợp với các quy định nêu trên của pháp luật, Điều 20 Nghị định 41/2014/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng bỏ quy định về việc thành lập Phòng Thanh tra chuyên ngành tại Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thay bằng quy định thành lập Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành và Bộ phận này được tổ chức theo mô hình đơn vị cấp Phòng.

Việc sửa đổi theo hướng này vừa đảm bảo quy định của pháp luật, vừa giúp cho tổ chức thanh tra tại Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không bị xáo trộn, ảnh hưởng quá nhiều. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành khi được thành lập sẽ kế thừa thực hiện nhiệm vụ, chức năng của tổ chức Thanh tra chuyên ngành hiện nay tại Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Đối với việc xây dựng mô hình tổ chức thanh tra tại các đơn vị không thành lập tổ chức thanh tra độc lập

Cần xây dựng tiêu chí cho việc bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để tham mưu giúp Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra tại các đơn vị này. Căn cứ tình hình công việc thực tế, Thủ trưởng đơn vị quyết định bố trí số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tại đơn vị mình theo tiêu chí sau: “Ở các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra thì Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra. Đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm”.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Công an cần có hướng dẫn cụ thể việc bố trí, sử dụng đối với số cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra các Tổng cục, Bộ Tư lệnh trước đây được điều động, phân công về các Cục trực thuộc Bộ hiện nay để đảm bảo chế độ chính sách và phát huy tốt năng lực và kinh nghiệm công tác thanh tra của số cán bộ này./.

 

Trung tá, Ths. Lê Mạnh Hùng

Thanh tra Bộ Công an

Chú thích:

(*) Báo cáo số 1312/BC-C07 ngày 13/6/2019 về tổng kết thực hiện Nghị định số 41/2014/NĐ-CP.

                                                                                


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra