Vai trò đặc biệt của xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Phát biểu tại hội nghị, ThS. Ngô Thu Trang cho rằng, trên thế giới đã có nhiều tranh luận về việc cho công chúng tiếp cận thông tin kê khai về thu nhập, tài sản hay những quan ngại của các công chức về quyền riêng tư. Vì vậy, hệ thống công khai tài sản, thu nhập đối mặt với vấn đề phải cân đối giữa một bên là cho phép công chúng giám sát nhằm tạo điều kiện phòng, chống tham nhũng (PCTN) và một bên là bảo vệ quyền riêng tư của những người phải kê khai tài sản.
Trên thế giới, một số quốc gia cũng đã nghiên cứu về vai trò của xã hội đặc biệt là của người dân và báo chí trong PCTN nói chung và hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của quốc gia đó. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào đề cập cụ thể đến vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm PCTN. Đa số các nước tiếp cận vai trò giám sát của người dân sau khi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập đã báo cáo, phát hiện những hành vi kê khai, giải trình về tài sản, thu nhập không trung thực. Quy định các nước cũng đề cập đến các trường hợp bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng người phản ánh, phát hiện những dấu hiệu vi phạm.
Ở Việt Nam, hiện chưa có công trình nghiên cứu độc lập nào nghiên cứu về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, ngừa tham nhũng để thấy được những tồn tại, hạn chế, khoảng trống cần sửa đổi, bổ sung và đưa ra biện pháp, kiến nghị điều chỉnh, đảm bảo hiệu quả hoạt động này trên thực tế. Các nghiên cứu trong nước chỉ đề cập đến vai trò xã hội trong PCTN nói chung của các chủ thể là mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên; báo chí và truyền thông Việt Nam, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; Ban thanh tra nhân dân và người dân.
Cũng theo ThS. Ngô Thu Trang, các nghiên cứu này chưa đề cập trực diện vai trò của xã hội trong việc PCTN thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập đặc biệt là chuyên sâu về nội dung và phương thức kiểm soát của xã hội đối với tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Để có cơ sở đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò của xã hội trong PCTN thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần phải nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn vấn đề này cả ở phương diện pháp luật và thực tiễn.
Hoàn thiện thể chế về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập
Tại hội nghị, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu Đề tài là cần thiết, Đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận chung về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm PCTN; đánh giá những quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng nhằm chỉ ra những hạn chế, bất cập để từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm PCTN trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài là cơ sở khoa học góp phần hoàn thiện thể chế về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm PCTN, cụ thể là đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật PCTN năm 2018, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tố cáo và các văn bản có liên quan. Tuy nhiên, phần giải pháp của Đề tài cần đi sâu 02 giải pháp là kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm PCTN và giải pháp, kiến nghị về tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả vai trò của xã hội trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm PCTN.
Còn theo TS. Phạm Thị Huệ, Viện CLKHTT đánh giá, kết quả nghiên cứu của Đề tài, các thông tin có tính trung thực và độ tin cậy cao. Tuy nhiên, cách thể hiện chưa thực sự thống nhất; phần lý luận cần thể hiện lại vì hiện nay nội dung này đang thiên nhiều về thực trạng. Bên cạnh đó, cần thống nhất phần đánh giá những nguyên nhân, tồn tại hạn chế gây ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm PCTN cần thể hiện tổng hợp hơn.
Cho ý kiến kết luận, TS. Nguyễn Quốc Văn khẳng định đây là Đề tài rất khó, thể hiện sự trăn trở, say mê, tâm huyết về vấn đề nghiên cứu của Chủ nhiệm Đề tài. Nội dung đã thể hiện sự hiểu biết rộng nhưng cách thể hiện cần thống nhất và tập trung hơn; các khái niệm cần bảo đảm tính chính xác, dễ hiểu, bao hàm 03 yếu tố: chủ thể, làm gì và để làm gì? Đồng thời, các kiến nghị, đề xuất cần cụ thể, rõ ràng.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất đánh giá Đề tài đạt loại Xuất sắc./.
Lan Anh