Nhiều biện pháp thiết thực trong phòng, chống tham nhũng tại Kon Tum

Thứ tư, 31/05/2023 09:47
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, UBND tỉnh Kon Tum thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại cơ quan, đơn vị mình. Qua triển khai thực hiện, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực; nhận thức của cán bộ, công chức và người dân đối với công tác đấu tranh PCTN ngày càng nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện công tác PCTN, như: Kế hoạch triển khai công tác PCTN, tiêu cực; kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kế hoạch kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; triển khai thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập… để chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.

Việc phân công trách nhiệm thực hiện công tác PCTN được UBND tỉnh Kon Tum xác định rõ ràng. Cụ thể, cơ quan Thanh tra là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác PCTN. Đối với cấp tỉnh, Thanh tra tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PCTN trong phạm vi quản lý nhà nước của địa phương, chịu sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ trong công tác PCTN. Nhìn chung, trong thời gian qua, cơ quan Thanh tra đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cùng cấp trong công tác PCTN.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN tiếp tục được các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong quý I/2023, toàn tỉnh Kon Tum đã tổ chức 563 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN với 33.083 lượt người tham gia bằng nhiều hình thức, như: Lồng ghép nội dung PCTN trong các đợt tuyên truyền pháp luật, các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn, học tập chuyên đề, đăng tải và cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân vào quyết tâm PCTN.

Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc PCTN, tiêu cực lần thứ tư, năm 2023. Riêng Sở Tư pháp đã biên soạn, phát hành 01 số Thông tin phổ biến pháp luật, 01 số Tập san Tư pháp nhằm góp phần nâng cao kiến thức pháp luật về PCTN cho người dân. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đã đăng tải nhiều tin bài, chuyên mục liên quan đến công tác PCTN trên sóng phát thanh, truyền hình, Báo Kon Tum, Trang Thông tin điện tử.

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện công khai theo quy định của pháp luật đối với việc mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức - cán bộ; công bố công khai các thủ tục hành chính; công khai số điện thoại đường dây nóng của người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của tổ chức, công dân; công khai kết luận, kết quả xử lý các vụ việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và PCTN trên Trang thông tin điện tử của đơn vị và thông qua các phương tiện thông tin truyền thông. Qua việc triển khai thực hiện công khai, minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân được tham gia giám sát việc triển khai thực hiện. Từ đó, kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về quy tắc ứng xử của Trung ương, địa phương, của ngành. Chủ động xây dựng quy tắc chuẩn mực đạo đức, văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Qua theo dõi tình hình thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm các quy định về tặng quà, nhận quà tặng, sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định.

Trong quý I/2023, có 10 cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 36 cán bộ, công chức, viên chức. Công tác cải cách hành chính được UBND tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng mô hình một cửa hiện đại tại tất cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn toàn tỉnh là 1.750; đã cung cấp 1.170 dịch vụ công toàn tỉnh, 169 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.283/1.1750 thủ tục hành chính của tỉnh, đạt 73,31%...

Đáng chú ý, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai, bàn giao và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Trong quý I/2023, Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 2.574 bản kê khai tài sản, thu nhập; các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai đầy đủ. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023, Thanh tra tỉnh đã ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023; bốc tham lựa chọn 41 người được xác minh tài sản, thu nhập của 10 cơ quan, đơn vị. Hiện nay, Thanh tra tỉnh đang triển khai thực hiện theo quy định.

leftcenterrightdel
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kon Tum. (Ảnh: kontum.gov.vn) 

Báo cáo công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Kon Tum (từ 01/8/2021 đến 31/7/2022) của UBND tỉnh cho thấy, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 8 vụ việc tham nhũng. UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy vai trò lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Kết quả, trên địa bàn tỉnh đã xử lý 1 trường hợp là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Mặc dù, UBND tỉnh Kon Tum đã thực hiện đầy đủ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chủ yếu trong công tác PCTN. Tuy nhiên, công tác PCTN của tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, như: Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; đội ngũ làm công tác chuyên trách còn ít, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ PCTN nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng…

UBND tỉnh Kon Tum xác định công tác PCTN là nhiệm vụ hết sức phức tạp, khó khăn và xem là một nhiệm vụ chính trị được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài. Chính vì vậy, các biện pháp triển khai phải cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong công tác PCTN.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương cũng như địa phương về công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật và các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Ba là, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Trung ương đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác giám định, định giá tài sản.

Bốn là, phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt tại các vị trí tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chú trọng giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân có liên quan đến công tác PCTN.

Năm là, đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thiệt hại, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.

Sáu là, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát thu thập thông tin phản ánh, tố cáo; phát hiện xử lý tham nhũng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng ở các ngành, các cấp.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đề ra một số giải pháp để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trên và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế là:

Thứ nhất, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về lối sống, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng giáo dục về bản lĩnh chính trị, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức tự phê bình và phê bình; tự giác trong rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính giữ gìn phẩm chất, xây dựng đoàn kết nội bộ; thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và chương trình hành động của Tỉnh ủy.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Thường xuyên theo đõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác PCTN năm.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế và chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường trao đổi văn bản điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và việc tặng quà, nộp lại quà tặng; thường xuyên rà soát xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Tổ chức xác minh tài sản, thu nhập theo quy định.

Thứ năm, rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, xã hội hóa các dịch vụ công, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, quy hoạch xây dựng... và các vấn đề cụ thể khác mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Từng sở, ngành, địa phương tích cực triển khai, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác PCTN tại sở, ngành, địa phương mình; chú trọng công tác quản lý kinh tế, tài chính, thực thi chính sách, pháp luật và những lĩnh vực nhạy cảm của từng ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là những lĩnh vực, công việc giải quyết liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Nghiêm túc xem xét, xử lý người đứng đầu khi không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra sai phạm, tiêu cực, tham nhũng thuộc quyền quản lý.

Thứ bảy, thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra