Quán triệt tinh thần Chỉ thị 04-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Thứ tư, 08/12/2021 15:36
(ThanhtraVietNam) - Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi”, trong đó vụ lợi được coi là một dấu hiệu bắt buộc của tham nhũng, là những “giá trị vật chất” và “giá trị phi vật chất” mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được một cách không chính đáng thông qua việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao.

Tuy nhiên, có một thực tế là đại đa số các vụ việc tham nhũng đều liên quan đến yếu tố vụ lợi vật chất, mà hậu quả là gây thất thoát về tài sản của Nhà nước, của tập thể, của Nhân dân…

Về mặt nguyên tắc, khoản 1 Điều 93 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định “tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong một thời gian dài kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn rất hạn chế. Nhiều vụ “đại án” tham nhũng, sau khi xét xử, tòa án tuyên thu hồi hàng nghìn tỷ đồng nhưng tài sản kê biên lại chỉ vài chục tỷ đồng và trên thực tế tài sản thu hồi giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên.

Theo số liệu từ Hội thảo chuyên đề “thu hồi tài sản tham nhũng” do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức năm 2020, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát của thời gian trước năm 2013 ở mức rất thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Đến nay, kết quả này đã được nâng lên, bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt hơn 32%.

Chính điều này khiến dư luận kỳ vọng công tác thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng mà có sẽ được cải thiện.

Thời gian vừa qua, đặc biệt từ sau khi Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng chuyển sang cơ chế Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng được quan tâm nhiều hơn. Tỉ lệ tài sản tham nhũng được thu hồi có xu hướng tăng lên. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo năm 2020 thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây. Gần đây nhất, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới vụ án AVG đã thu hồi được 8.774 tỉ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng thu lợi bất chính, theo đánh giá của các cơ quan chức năng đây có thể được xem là vụ việc hy hữu mà giá trị tài sản được thu hồi lớn nhất trong lịch sử tố tụng (100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt).

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương.
Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, tỉ lệ phần trăm tài sản không thu hồi được trong các vụ án tham nhũng vẫn là con số thất thoát khổng lồ cho Nhà nước.  Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều yếu tố có liên quan chặt chẽ tới nhau, có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, quy định pháp luật về kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức với ý nghĩa là biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn nặng về hình thức, chưa đi vào được thực chất của việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong nhiều năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn được tiến hành đầy đủ, bài bản, đúng thời hạn… tuy nhiên những bản kê khai đó hầu hết không được cơ quan tiếp nhận bản kê khai xem xét, đánh giá tính trung thực của người kê khai hay tìm ra các dấu hiệu của tài sản bất minh. Thông thường, mọi bất thường trong tài sản của cán bộ, công chức dẫn đến có thể tiến hành xác minh chủ yếu do báo chí phản ánh hay dư luận từ quần chúng Nhân dân. Ngay cả khi đã có những dấu hiệu vi phạm thì việc tiến hành thẩm tra xác minh cũng qua nhiều tầng nấc, điều kiện khó khăn, những người tiến hành xác minh cũng thiếu tính chuyên nghiệp và khả năng phát hiện vấn đề. Ngay cả khi có những bất minh trong tài sản của người kê khai, chúng ta mới chỉ có các biện pháp xử lý kỷ luật đối với người kê khai không trung thực, mà chưa có cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh, chưa rõ nguồn gốc. Những bất cập này phần này đã được khắc phục trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 tuy nhiên chưa thực sự mang tính toàn diện.

Thứ hai, cơ chế phát hiện tham nhũng còn nhiều yếu kém. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã kịp cất giấu, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được tiêu xài hoang phí. Đồng thời, quá trình kéo dài từ truy tố, xét xử, có bản án sau đó mới kê biên tài sản khiến tội phạm tham nhũng có thêm thời gian tẩu tán tài sản, còn một số vụ án lại gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài...

Thứ ba, cơ chế thu hồi tài sản sau khi có bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật là một trở ngại lớn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Về mặt nguyên tắc và theo thông lệ chúng ta chỉ thu hồi tài sản tham nhũng thông qua bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng ở đa số các vụ án khi xét xử xong thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán vì việc giải quyết một vụ án hình sự theo quy định của pháp luật phải qua rất nhiều giai đoạn với thời gian kéo dài.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như nhận thức, mức độ quan tâm, cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế; chất lượng, năng lực, trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ thi hành án, chấp hành viên… cũng là những trở lực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam trong những năm qua.

Xuất phát từ những phân tích, đánh giá thực trạng tình hình công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TƯ ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (Chỉ thị 04) yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, trước hết là yêu cầu chuyển biến từ trong nhận thức.

Chỉ thị 04 yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Cần có cơ chế rạch ròi giữa trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tập thể, tránh tình trạng khó khăn khi xác định trách nhiệm trong việc thực hiện công tác thu hồi tài sản. Một lần nữa, trách nhiệm của người đứng đầu được yêu cầu nêu cao, khi Chỉ thị nêu rõ: “Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình”. Bài học quý giá từ kết quả thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng trong vụ án AVG cho thấy khi mà quy định pháp luật còn nhiều bất cập, vướng mắc, thì sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp là vô cùng quan trọng với tinh thần “rõ đến đâu xử lý đến đấy”, “làm đến đâu thu đến đấy”.

Tiếp đó, là chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cụ thể: Cần rà soát, sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả; khắc phục những bất cập trong kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Trong một diễn biến gần đây, ngày 31/03/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi đó đã chỉ đạo giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu sắc toàn diện về khả năng xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đặc biệt tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền, đồng thời bảo đảm phù hợp lộ trình đánh giá đa phương về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn tiếp theo của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam.

Đáng chú ý, trong Chỉ thị 04 cũng nêu rõ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải có ngay biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế. Đây là giải pháp rất mạnh mẽ, tuy nhiên rất mới và rất khó nhưng không thể không làm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài.

Chỉ thị 04 của Ban Bí thư cũng yêu cầu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hoá tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Có thể nói, việc Ban Bí thư ban hành một Chỉ thị riêng về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát đã thể hiện mức độ quan tâm của Đảng tới công tác này, cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Với một loạt các giải pháp mà Chỉ thị đã nêu ra, sẽ là một “cú hích” về định hướng để Nhà nước trên cơ sở pháp luật hiện hành rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, góp phần đạt được hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, tinh thần Chỉ thị 04 của Ban Bí thư cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là một tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, tinh thần của Chỉ thị cũng đồng bộ với quy định mới của Bộ Luật Hình sự 2015 về chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân nếu người bị kết án tử hình vì tham nhũng tự giác tự nguyện nộp lại tài sản tham nhũng mà chưa cần thông qua xét xử. Là nhóm giải pháp đi vào nguyên nhân bản chất gốc rễ của tham nhũng xuất phát từ quyền lực và lòng tham, khi chúng ta thiết lập được một cơ chế hoàn chỉnh, hiệu quả để tài sản tham nhũng bị thu hồi nhanh chóng hiệu quả và đầy đủ, sẽ làm thủ tiêu động cơ tham nhũng./.

TS. Nguyễn Thị Lê Thu
 Học viện Hành chính Quốc gia

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra