Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy vậy, cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội, các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng đã thay đổi, do đó Luật Thanh tra cũng đã có nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra. Bên cạnh đó, qua thực tiễn cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra Nhà nước còn dàn trải, phân tán và thiếu tính thống nhất.
Mặc dù được tổ chức từ Trung ương đến địa phương nhưng có thể thấy hoạt động thanh tra đang còn thiếu sự chỉ đạo điều hành thông suốt trong toàn Ngành. Các cơ quan thanh tra ở bộ, ngành, địa phương gần như hoàn toàn lệ thuộc vào cơ quan quản lý cùng cấp.
Từ thực tế đó, để phù hợp hơn với hoạt động của đời sống xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, gắn với việc tinh giản, tinh gọn của bộ máy của cơ quan thanh tra, cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung một số nội dung:
Thứ nhất, về biên chế thành lập phòng thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và các sở khi không có tổ chức thanh tra chuyên ngành. Thực tiễn hiện nay, nên quy định biên chế tối thiểu đối với thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 25/11/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ) quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quy định điều kiện thành lập phòng đối với cấp huyện từ 5 người trở lên, đối với cấp tỉnh từ 6 người trở lên.
Mặt khác, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp tỉnh có bổ sung nhiệm vụ kiểm soát thu nhập tài sản, tiếp công dân cấp tỉnh, thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực không thành lập thanh tra chuyên ngành tại sở, thì việc quy định biên chế tối thiểu cho Thanh tra cấp tỉnh là cần thiết.
Bên cạnh đó, đối với biên chế thanh tra tại các sở, nhưng theo quy định Luật không thành lập thanh tra chuyên ngành; đề nghị quy định giữ nguyên biên chế và chuyển số biên chế tại các sở này về Thanh tra cấp tỉnh để tiếp tục thực hiện việc thanh tra theo quy định, giảm áp lực về biên chế cho Thanh tra cấp tỉnh.
Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A
Do vậy, cần thiết đề xuất việc quy định biên chế đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về số lượng biên chế tối thiểu đối với thanh tra cấp tỉnh, huyện, sở, ngành và việc chuyển đổi biên chế giữa Thanh tra cấp tỉnh và Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, biên chế giữa Thanh tra cấp tỉnh và các sở không thành lập thanh tra chuyên ngành.
Thứ hai, về mối quan hệ giữa Chánh Thanh tra cấp tỉnh và Thủ trưởng các sở, ngành không thành lập thanh tra chuyên ngành, cần thiết phải quy định cụ thể mối quan hệ này trong việc cung cấp thông tin, tổng hợp báo cáo, xử lý hành vi vi phạm (nếu có) trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ ba, liên quan đến thẩm quyền ban hành Kết luận thanh tra, cần xem xét lại thẩm quyền ban hành Kết luận thanh tra đối với trường hợp Thủ trưởng cùng cấp ban hành Quyết định thành lập đoàn thanh tra, đoàn thanh tra liên ngành do Phó Chủ tịch cấp tỉnh, cấp huyện làm Trưởng đoàn. Thì thẩm quyền ban hành Kết luận thanh tra do Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện ban hành không phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ tư, cần thiết quy định chi tiết về thẩm quyền ban hành Kế hoạch thanh tra của tỉnh và đơn vị dự thảo Kế hoạch thanh tra của tỉnh như Kế hoạch thanh tra cấp tỉnh, thanh tra cấp huyện, thanh tra sở nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Cũng như trong trường hợp UBND cấp tỉnh ban hành các cuộc thanh tra của tỉnh trong đó có các cuộc thanh tra của cấp huyện, đây cũng là vấn đề cần được điều chỉnh bởi luật.
Mặt khác, luật hiện nay chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý khi đối tượng thanh tra không cung cấp hồ sơ, tài liệu thanh tra, không chấp hành yêu cầu của Đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra. Do đó cần quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với trường hợp này, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, Đoàn thanh tra trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cũng cần quy định mức, thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển cơ quan điều tra đối với các trường hợp này.
Thứ năm, cần xem xét thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra của Chánh Thanh tra cấp tỉnh, trình tự tiến hành các cuộc kiểm tra trong việc thực hiện quy định pháp luật đối với lĩnh vực quản lý của ngành Thanh tra; xem xét mối quan hệ giữa Chánh Thanh tra cấp tỉnh và thanh tra cấp huyện, sở, ngành trong việc khen thưởng, kỷ luật, phê bình, chấn chỉnh cán bộ, công chức làm công tác thanh tra tại các quận, huyện, sở, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với công tác thanh tra, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra cần xem xét lại quy định hình thức, quy mô của Tổ, Đoàn giám sát. Bởi vì, trên thực tế, tại một số quận, huyện và sở, ngành, biên chế của thanh tra được bố trí trừ 3 - 7 người, do đó việc ban hành Tổ, Đoàn giám sát gặp khó khăn, không đủ biên chế, điều kiện thành lập Tổ, Đoàn giám sát. Do đó, cần quy định theo hướng tùy tính chất của cuộc thanh tra, người ban hành quyết định thanh tra sẽ ban hành quyết định thành lập Đoàn, Tổ giám sát./.
Hồng Dân