Trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta giành được những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đó in đậm bản lĩnh, tầm trí tuệ, năng động sáng tạo của đội ngũ CB, ĐV. Số đông đội ngũ CB, ĐV kiên định vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới. Tuy nhiên, tính tiên phong gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút làm ảnh hưởng đến niềm tin của một phận Nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền.
Nhận thức rõ vai trò của công tác giáo dục, quản lý CB, ĐV trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, giáo dục, quản lý CB, ĐV. Nhờ đó “công tác Xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, lợi ích nhóm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(1). Tuy nhiên cần nhận diện đúng thực trạng một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa coi trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng cho CB, ĐV, còn buông lỏng công tác quản lý CB, ĐV. Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị có ĐV vi phạm pháp luật, tham nhũng nhưng không nắm được. Không ít cấp ủy, tổ chức Đảng tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu, còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan là do mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động. Song các nguyên nhân chủ quan chi phối, quyết định, đó là một số tổ chức Đảng coi nhẹ công tác Xây dựng Đảng, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này trong bối cảnh mới hiện nay. Thứ hai, mặc dù công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có những chuyển biến tích cực nhưng trong một số trường hợp còn thiếu quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, cảnh báo. Thứ ba, các quy chế, quy định pháp luật liên quan đến quản lý CB mặc dù trong những năm gần đây đã được ban hành tương đối đầy đủ song có những điểm còn bất cập, vướng mắc nên khâu quản lý CB, ĐV còn những lúng túng nhất định. Thứ tư, sự phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị để giáo dục, quản lý CB, ĐV chưa chặt chẽ, hiệu quả còn thấp.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, quản lý CB, CB trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho CB, ĐV
Đại hội XIII chỉ rõ: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi CB, ĐV thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ vật chất, tiền tài, danh vọng”(2).
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải luôn coi đây là nội dung quan trọng để giáo dục, quản lý CB, ĐV. Cần “kiên trì giáo dục rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong CB, ĐV, công chức, viên chức”(3).
Kết hợp chặt chẽ các kênh để giáo dục thông qua sinh hoạt Đảng, chính quyền, đoàn thể để mỗi CB, ĐV nhận rõ trách nhiệm, bổn phận của mình. Thông qua học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng gắn với học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để mỗi CB, ĐV luôn “tự soi”, “tự sửa” tu dưỡng rèn luyện để hoàn thiện nhân cách. Nhân rộng các mô hình học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong CB, ĐV với các nội dung thiết thực, cụ thể, sáng tạo trong thực tiễn để thực hành làm theo có hiệu quả. Bằng các phương thức, biện pháp để nhận diện và tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân- thứ giặc “trong lòng”, dễ dàng đưa người ta đi xuống dốc. Đồng thời, “tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”(4).
Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đây là biện pháp tích cực “làm mực thước” để CB, ĐV dưới quyền học tập, noi theo.
Các học viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
Thứ hai, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng để CB, ĐV tu dưỡng rèn luyện cũng như để giáo dục, quản lý
Chuẩn mực đạo đức cách mạng là hệ giá trị cơ bản đòi hỏi mỗi CB, ĐV phải hội đủ, tu dưỡng rèn luyện để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo uy tín, sức lan tỏa đối với quần chúng Nhân dân. Xây dựng, lượng hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng là cơ sở để mỗi CB, ĐV làm căn cứ để học tập, tu dưỡng rèn luyện. Đồng thời là căn cứ để các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị theo dõi, giám sát, nhận xét đánh giá kết quả rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi CB, ĐV. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại hội XIII xác định “xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho CB, ĐV tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”(5).
Trên cơ sở đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị mà cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng cho phù hợp với tổ chức của mình sao cho thiết thực, cụ thể và dễ thực hiện. Có như vậy mới giúp CB, ĐV liên hệ, vận dụng, tự soi sát hợp với chức trách, nhiệm vụ, kế hoạch rèn luyện của mình. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay để CB, ĐV phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện. Nên chăng nghiên cứu bổ sung cán bộ cần thực hiện 6 “dám” theo tinh thần Đại hội XIII bổ sung vào nội hàm chuẩn mực đạo đức cách mạng hiện nay.
Thứ ba, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
Tự phê bình và phê bình vừa là quy luật phát triển của Đảng vừa là một trong năm nguyên tắc xây dựng Đảng của Đảng ta. Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ giúp cho tổ chức Đảng, CB, ĐV phát huy ưu điểm, phòng tránh các khuyết điểm, sai phạm.
Thực tiễn những năm qua cho thấy “việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”(6). Để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu khi phê bình phải khách quan, trung thực, động cơ trong sáng, chân thành “phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”. “Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa”(7). Đây là cách để CB, ĐV nhận ra được những khuyết điểm, sai phạm mà tổ chức, đồng nghiệp đã chỉ ra để khắc phục sửa chữa kịp thời. Trong thực tế đã có số ít đảng viên thiếu thành khẩn, vòng vo, đổ lỗi cho khách quan. Những trường hợp này người đứng đầu phải gợi ý để CB, ĐV đó nêu cao tính tự giác tự phê bình, thừa nhận khuyết điểm để sửa chữa. Ngoài ra cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải nêu gương sáng về tự phê bình và phê bình để tạo ra hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa để đảng viên khác noi theo. Chú trọng xây dựng văn hóa phê bình, động cơ chân thành trong sáng, mong muốn CB, ĐV tiến bộ trưởng thành. Cần khắc phục “đao to búa lớn”, chì chiết, ví von, nâng quan điểm khi thực hiện phê bình trong sinh hoạt Đảng. Đồng thời, phải “coi trọng, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”(8).
Thứ tư, phối hợp các ban ngành để giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên
Thể chế chính trị một Đảng duy nhất cầm quyền quy định sự thống nhất của hệ thống tổ chức bộ máy cũng như việc tham gia giáo dục, quản lý của các ban ngành đối với CB, ĐV. Quản lý CB, ĐV không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Đảng trực tiếp mà còn cần sự tham gia của các ban đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên phải kết hợp chặt chẽ các chủ thể, các kênh để giáo dục, quản lý. Không chỉ quản lý chất lượng hiệu quả công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, định kỳ sinh hoạt với cấp ủy nơi cư trú... mà còn đi sâu quản lý diễn biến tư tưởng của CB, ĐV. Bởi đây là địa hạt tinh tế, nhạy cảm, phức tạp, vận động theo quy luật của hai mặt đối lập như tích cực và tiêu cực; tốt và xấu; tiến bộ và lạc hậu...
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực
Kiểm tra, giám sát, kiểm soát là chức năng lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế đã đề ra cũng như giáo dục, quản lý CB, ĐV trước tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường. Qua đó nhắc nhở, cảnh báo, quản lý CB, ĐV giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đại hội XIII xác định phương châm “tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”(9). Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền cũng là nhiệm vụ để ngăn chặn những hành vi sai trái ở một số CB, ĐV. Hồ Chí Minh đã cảnh báo có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(10. Do đó kiểm soát quyền lực nhằm khắc phục tha hóa quyền lực là cần thiết trong tình hình hiện nay, để thải loại những CB, ĐV “nhúng chàm” ra khỏi bộ máy của hệ thống chính trị. Tập trung “kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý”(11) để làm gương cho CB, ĐV khác. Kết hợp chặt chẽ các hình thức kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng- phòng chống quan liêu, tham nhũng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để Đảng ta luôn ở tầm cao của văn hóa, của đạo đức văn minh. Cần “kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật”(12). Đồng thời “khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng”(13).
Thứ sáu, tăng cường giám sát của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên
Quần chúng Nhân dân là cơ sở chính trị- xã hội, là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng và Nhà nước ta. Dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước là quy luật của sự phát triển. Bác Hồ đúc kết: Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được; rằng “họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng”(14). CB, ĐV vừa là người lãnh đạo vừa là người “đầy tớ” của dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, sự giám sát của Nhân dân đối với CB, ĐV là yêu cầu nội tại, khách quan của Đảng ta hiện nay. Cần xây dựng cơ chế, điều kiện để Nhân dân giám sát, cung cấp thông tin về CB, ĐV để cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra... nắm được những hạn chế, yếu kém, lệch chuẩn, sai phạm, để làm cơ sở xử lý, chấn chỉnh, kết luận làm rõ đúng sai theo thẩm quyền./.
PGS, TS Nguyễn Thế Tư
Học viện Chính trị khu vực III
Chú thích:
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.74.
(2); (4); (5) Văn kiện đại hội XIII, tập 1, tr.184.
(3); (9); (11); (12) Văn kiện đại hội XIII, tập 1, tr.194; tr.189-190; tr.195; tr.190
(6); (8); (13) Văn kiện Đại hội XIII, tập 2, tr.179; tr.176; tr.146
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.222.
(10); (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.641; tr.262