Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính lần này là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số, thông qua việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số sẽ góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Theo mục tiêu của Chương trình tổng thể thì đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. Có 100% cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, 80% các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại.
Hệ thống báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đạt 100% kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Có 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Đặc biệt, có 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành Phân hệ theo dõi nhiệm vụ bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực hiện. Việt Nam sẽ thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Đến năm 2030, có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh phải đạt 100% được xử lý trên môi trường mạng. Hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đạt 70% được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Năm 2021 và những năm sắp tới, Việt Nam cùng với các quốc gia trên thế giới đã và đang phải đối mặt với những thách thức của dịch bệnh Covid 19, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV đã triển khai nhiều giải pháp để đối phó với dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, dần đưa cuộc sống trở lại với nếp sống bình thường. Nhưng cũng qua thực tiễn đối phó với dịch bệnh, càng cho thấy yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số vào hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nói riêng là một yêu cầu bức thiết được đặt ra hiện nay.
Để hiện thực hóa được những mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số theo như định hướng đã được xác định trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, cũng như việc thích ứng với công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 của nước ta trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
1. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số(1).
Nhiệm vụ này nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Thanh tra Chính phủ, phục vụ người dân có hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, công sở điện tử, tin học hóa các dịch vụ hành chính công ở mức độ 3 và 4 theo quy định của pháp luật với những công việc cụ thể như sau:
Một là, cần xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của Thanh tra Chính phủ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo như nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính đã nêu ra, bám sát với hướng dẫn số 2390/BTTTT-THH ngày 29/6/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030”. Đồng thời, phải xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử và Kế hoạch triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của Thanh tra Chính phủ phiên bản 2.0 theo quy định của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Hai là, phải số hóa và quản lý, sử dụng dữ liệu một cách có hiệu quả trong hoạt động của Thanh tra Chính phủ. Hoàn thiện và khai thác hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành tác nghiệp, bảo đảm kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Hướng đến 100% văn bản nội bộ của Thanh tra Chính phủ sử dụng hình thức văn bản điện tử. Xây dựng hệ thống tự động phân tích văn bản báo cáo và đưa ra các nhận định, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ một cách nhanh chóng, kịp thời.
Tăng cường sử dụng chữ ký số điện tử do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đối với các văn bản điện tử của Thanh tra Chính phủ gửi qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Triển khai yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ đều được cung cấp và sử dụng email với tên miền @thanhtra.gov.vn trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ công việc chung của Thanh tra Chính phủ.
Ba là, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng số theo hướng đảm bảo các điều kiện cần và đủ về hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó:
- Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu, có ít nhất 02 trung tâm dữ liệu có năng lực tính toán cao, kết nối đồng bộ để phục vụ các ứng dụng của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, đảm bảo độ tin cậy, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam có uy tín, đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu Tier 3.
- Triển khai thực hiện dự án “Mua sắm hệ thống thiết bị chuyển mạch tầng, chuyển mạch lõi” nhằm đảm bảo hoạt động của các hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng hoạt động ổn định; tạo môi trường thông suốt, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin ở Thanh tra Chính phủ. Từng bước hoàn thiện các giải pháp về hạ tầng công nghệ thông tin, thay thế những sản phẩm không còn khả năng sử dụng (hiệu năng thấp, cấu hình cũ, không còn được sự hỗ trợ từ chính các hãng sản xuất).
- Triển khai thực hiện dự án “Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP)”, với mục tiêu là xây dựng hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của Thanh tra Chính phủ nhằm hình thành môi trường chia sẻ thông tin, kết nối liên thông các hệ thống thông tin trong ngành Thanh tra. Xây dựng LGSP tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Thanh tra Chính phủ và phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
- Triển khai dự án “Xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử” tuân thủ các chức năng và bảo đảm khả năng tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; đăng tải các thông tin về thủ tục hành chính của Thanh tra Chính phủ; tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của công dân về thủ tục hành chính của Thanh tra Chính phủ và có khả năng tích hợp các dịch vụ công trực tuyến khác khi phát sinh của Thanh tra Chính phủ; có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định tại thời điểm triển khai.
- Duy trì sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước; triển khai mạng WAN đến toàn bộ các cục, vụ, đơn vị trong cơ quan Thanh tra Chính phủ.
- Toàn bộ hệ thống ứng dụng của Thanh tra Chính phủ hoạt động với IPv6.
Bốn là, ngành Thanh tra cần quan tâm, phát triển hạ tầng dữ liệu, phục vụ chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp, bao gồm các cơ sở dữ liệu nội bộ, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia… Cụ thể là:
- Triển khai dự án của Thanh tra Chính phủ về “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nhằm xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập của người thuộc đối tượng phải kê khai trong phạm vi cả nước; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược, chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng; công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập.
- Triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Việc sử dụng Cơ sở dữ liệu này nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời theo dõi, nắm bắt thông tin liên quan đến khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và xử lý kiến nghị, phản ánh, hạn chế tình trạng đơn thư trùng lặp và tiết kiệm thời gian thu thập, theo dõi, thuận lợi cho công tác tổng hợp, báo cáo.
- Triển khai hệ thống báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, triển khai đến đầu mối thanh tra các quận/huyện/sở ngành. Hệ thống cơ bản đáp ứng mục tiêu tra cứu, tổng hợp số liệu kịp thời phục vụ quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong toàn quốc; đảm bảo kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực tiếp công dân (đăng ký và hẹn lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ).
- Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, thanh tra viên của các cơ quan thanh tra nhà nước. Theo đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ thanh tra về công nghệ thông tin, thích ứng với việc đổi mới phương thức hoạt động thanh tra theo hướng các đoàn thanh tra sẽ tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, khai thác các dữ liệu điện tử từ đối tượng thanh tra thay vì phương pháp truyền thống hiện nay(2).
2. Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, công sở điện tử, tin học hóa các dịch vụ hành chính công, Thanh tra Chính phủ cũng cần quan tâm thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong ngành Thanh tra, với những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Xây dựng hoàn thiện về thể chế, ban hành, các kế hoạch, quy chế, quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Thanh tra Chính phủ.
- Hoàn thành việc triển khai và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mô hình 4 lớp (kiện toàn lực lượng tại chỗ; lựa chọn tối thiểu một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia) theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức.
- Hoàn thành triển khai và duy trì Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC), kết nối và chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin).
- Xây dựng và triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của cơ quan, tổ chức; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng;
- Thường xuyên rà soát, cập nhật, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
- Rà soát hiện trạng, tăng cường đầu tư trang thiết bị và thuê dịch vụ chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống mã độc theo mô hình tập trung, ưu tiên cho các hệ thống cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và hệ thống trung tâm dữ liệu.
- Định kỳ, đột xuất thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định của pháp luật; định kỳ hàng năm tổ chức đào tạo hoặc cử nhân sự chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin/công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin.
- Kiện toàn, nâng cao năng lực và duy trì hoạt động thường xuyên của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin về sự cố an toàn mạng.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan.
Để thực hiện được những nhiệm vụ nêu trên, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Trung tâm thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan có trách nhiệm xây dựng các Đề án, kế hoạch chi tiết báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Văn phòng chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch Tổng hợp xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, bố trí kinh phí và hướng dẫn lập dự toán kinh phí để thực hiện có hiệu quả./.
TTVCC - TS. Nguyễn Huy Hoàng
Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra
Hoàng Quốc Long
Trung tâm thông tin - TTCP
Chú thích:
(1) Dự thảo Kế hoạch cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2021-2030
(2) Vũ Văn Chiến; (2021); “Đại dịch COVID-19, cuộc cách mạng 4.0 và yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động thanh tra”; www.Truongcanbothanhtra.gov.vn