Thực hiện pháp luật về tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập - Thực tiễn qua thanh tra ở một số trường đại học

Thứ tư, 17/11/2021 14:04
(ThanhtraVietNam) - Pháp luật về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mà nòng cốt là Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 43) là công cụ rất quan trọng trong quản lý Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học ở Việt Nam nói riêng. Theo Nghị định 43 những nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm bao gồm (i) Thực hiện nhiệm vụ, (ii) Tổ chức bộ máy, (iii) Biên chế, (iv) Tài chính.

Từ khi ban hành đến nay, Nghị định 43 được các chủ thể có liên quan và các trường đại học trên cả nước nghiêm túc tổ chức triển khai và đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần đổi mới phong cách và chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên quá trình đó cũng còn nhiều hạn chế đáng tiếc từ góc độ của các trường đại học - chủ thể trung tâm - trong việc phát huy nội dung, tinh thần của Nghị định 43 một cách tốt nhất. Những hạn chế đó được phát hiện qua công tác thanh tra[1] đã gửi cho các nhà quản lý giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng một thông điệp: Việc tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật nói chung và Nghị định số 43 về quản lý giáo dục trong nhà trường đại học nói riêng là con đường chân chính để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh - cơ sở để phục vụ sinh viên, học viên một cách tốt nhất.

Những kết quả đạt được

Để thực hiện Nghị định 43 và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường đã xây dựng và ban hành các quyết định để cụ thể hoá Nghị định 43 và các quy định pháp luật khác có liên quan trên các lĩnh vực về xây dựng tổ chức bộ máy, công tác phát triển cán bộ giảng viên, công tác tổ chức đào tạo và công tác xây dựng cơ bản... phù hợp với đặc thù của từng nhà trường.

leftcenterrightdel

Ảnh minh họa 

Các nhà trường đã quan tâm rất sâu sắc công tác xây dựng bộ máy, nhân sự thể hiện trên các phương diện như: Công tác quy hoạch, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ thực hiện theo quy định của pháp luật phù hợp với thực tế của từng trường; thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm nhận xét, đánh giá cán bộ, viên chức; bên cạnh đó quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng và thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, viên chức và người lao động.

Với nhiệm vụ chính của các trường đại học là đào tạo bậc đại học, nhìn chung các trường tổ chức việc tuyển sinh, đào tạo theo các loại hình, kể các đối với các lớp hợp tác với các trường đại học của nước ngoài được cho phép về cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, công tác tài chính được tổ chức quản lý chặt chẽ hiệu quả, việc quản lý chi thường xuyên nhìn chung thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của từng nhà trường. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản tùy từng trường và từng thời điểm khác nhau có sự khác nhau, song về cơ bản là đã thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng và các quy định có liên quan, đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng, góp phần phục vụ nhiệm vụ của trường tốt hơn

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều trường đại học vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định trong quá trình thực hiện pháp luật về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cần được khắc phục và xử lý kịp thời.

Qua công tác quản lý Nhà nước, nhất là công tác thanh tra đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cơ bản, chủ yếu trong quá trình thực hiện Nghị định 43 mà các trường đại học thường mắc phải. Trong đó, nhiều trường đại học chưa thành lập Hội đồng trường theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ Trường đại học (Quyết định 58); chưa xây dựng phương án thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 43; chưa điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung "Quy chế thực hiện dân chủ" theo quy định tại khoản 7 Điều 31 Nghị định 43; chưa điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung "Quy chế tổ chức và hoạt động" theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Quyết định 58; một số trường ban hành một số khoản thu, chi không đúng với quy định của Nhà nước; ban hành văn bản quy định mức thu một số khoản học phí, lệ phí vượt mức quy định; một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Điều 19 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí (Nghị định  57).

Bên cạnh các thiếu sót chủ yếu như trên, tùy từng trường có những sai phạm cụ thể trong thực hiện Nghị định số 43 như: Tại các trường Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, việc ban hành một số văn bản rất chậm, nhiều văn bản không phù hợp với quy định của Nhà nước hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực; quy chế chi tiêu nội bộ quy định một số khoản thu, chi không đúng quy định của Nhà nước; thậm chí ban hành văn bản quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí vượt mức quy định và quy định một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Nghị định 57.

Trong công tác tuyển sinh và đào tạo còn nhiều thiếu sót. Về đào tạo sau đại học, nhiều trường đã để xảy ra tình trạng một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định như Đại học Huế, Trường Đại học Luật TPHCM. Trường Đại học Kinh tế TPHCM đào tạo thạc sĩ kinh tế khóa K20 thời gian vượt quá quy định 1 năm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ.

Về đào tạo đại học, một số đơn vị tuyển sinh, đào tạo đại học chính quy, liên thông từ cao đẳng lên đại học vượt chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Thậm chí có trường không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh hệ liên thông cao đẳng lên đại học chính quy năm 2011 như Trường Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế (110 chỉ tiêu), có trường mở ngành đào tạo hệ đại học văn bằng 2 chính quy như Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Huế nhưng chưa được sự đồng ý của giám đốc Đại học Huế. Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Huế tuyển sinh đào tạo đại học liên thông hệ chính quy năm 2011 nhưng tổ chức giảng dạy vào thứ 7, chủ nhật và các buổi tối các ngày trong tuần không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, việc tuyển sinh, đào tạo từ xa, một số đơn vị như Trung tâm Đào tạo từ xa thuộc Đại học Huế tuyển sinh vượt chỉ tiêu được phê duyệt như năm 2011 vượt 53,7%, năm 2012 vượt 11,48%.

Việc liên kết đào tạo với nước ngoài hệ đại học và sau đại học tại các cơ sở giáo dục trên cũng có nhiều vấn đề cần xem xét. Chẳng hạn như Chương trình liên kết đào tạo giữa Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội với Hội đồng Liên đại học Cộng đồng pháp ngữ (CIUF) Bỉ, có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ. Trường Đại học Luật TPHCM có một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ; học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp theo Quy chế đào tạo thạc sĩ ban hành kèm Quyết định số 45/2008/QĐ-BGĐ-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường Đại học Kinh tế TPHCM có chương trình đào tạo cao học đã được phê duyệt 20 năm nhưng chưa làm thủ tục gia hạn chương trình đào tạo, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp với chương trình đào tạo quốc tế bậc sau đại học, riêng Khóa 18 năm 2012 có 100% học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc như chương trình liên kết với Đại học Victoria của Australia đào tạo cấp bằng cử nhân kinh doanh (khóa đào tạo IBBus 3.1 năm 2012) có 34/52 học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, tại các trường đại học được dẫn như trên, hầu hết các đơn vị quyết định thành lập mới các đơn vị chuyên môn trực thuộc không căn cứ vào quy hoạch, chiến lược phát triển đơn vị; một số đơn vị không xây dựng đề án thành lập đơn vị mới, không ban hành quy định về quy trình thành lập, đổi tên, chia tách, sáp nhập; mô hình tổ chức chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lẫn lộn giữa quản lý hành chính và sự nghiệp, quản lý sự nghiệp và sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Chẳng hạn như Đại học Huế là đơn vị sự nghiệp nhưng thực hiện một số chức năng nhiệm vụ như một đơn vị hành chính, mô hình tổ chức nhiều cấp, hình thành nhiều khâu trung gian. Điều này dẫn tới việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, có việc bỏ sót, việc quản lý tài chính khó khăn, có lĩnh vực hoạt động chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu không được bộ chuyên ngành quan tâm chỉ đạo và đầu tư.

Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Huế, trong đó có Bệnh viện Y Dược Huế là bệnh viện thực hành, trong một thời gian dài duy trì hoạt động theo mô hình bán công nhưng cơ chế quản lý tài chính theo cơ chế sự nghiệp tự đảm bảo chi phí chi thường xuyên. Trường Đại học Y Dược là đơn vị đào tạo chuyên sâu về ngành y dược, trong nhiều năm qua trong bối cảnh vừa thiếu sự quan tâm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thiếu sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn, đầu tư của Bộ Y tế đã gây khó khăn cho hoạt động của trường và bệnh viện thuộc trường.

Ngoài ra, việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp đều chưa thực hiện đúng Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58 và hướng dẫn của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chính trị, một số ít thiếu điều kiện về trình độ chuyên môn. Như Đại học Huế quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm cán bộ, viên chức theo nhiệm kỳ người đứng đầu đơn vị không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí cá biệt ở một số đơn vị sự nghiệp có viên chức giảng viên vi phạm về phẩm chất đạo đức, vi phạm nghiêm trọng về quy chế đào tạo phải xử lý kỷ luật. Việc kiểm điểm nhận xét, đánh giá phân loại viên chức hàng năm của một số đơn vị thuộc Trường Đại học Vinh chưa nghiêm túc, có đơn vị thuộc Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội chưa thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Nhìn chung, những sai phạm trên xảy ra ở một số lĩnh vực quan trọng, chủ yếu, liên tục kéo dài nhiều năm tại các trường cho thấy việc tổ chức thực hiện Nghị định 43 chưa đạt kết quả như mong đợi, do đó trong thời gian tới cần có các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng này.

Về nguyên nhân, có thể do khách quan và chủ quan, song phần nhiều là do chủ quan từ phía các nhà trường đại học. Trước hết, về khách quan, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực này có thể một số bộ, ngành cấp trung ương chưa kịp thời hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43 hoặc sự kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên của các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp trên.

Về chủ quan, qua các thiếu sót và sai phạm của các trường cho thấy chính sự chưa tôn trọng và thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật, chưa quan tâm kiểm tra, giám sát của lãnh đạo nhà trường, các bộ phận chức năng tại chỗ dẫn đến nhiều thiếu sót, sai phạm xảy ra liên tục kéo dài, chỉ đến khi được cấp trên thanh tra thì những thiếu sót, sai phạm trên mới được chỉ ra và có hướng xử lý.

Xét về hình thức, quá trình thực hiện pháp luật về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43 nói trên cho thấy về cơ bản các nguyên tắc và trình tự thủ tục cần tuân thủ được quy định trong Nghị định này mà các chủ thể cần phải chấp hành, song về nội dung thì các công việc cụ thể mà các trường phải thực hiện lại liên quan đến nhiều nội dung pháp luật trong từng hoạt động được quy định trong các đạo luật và văn bản hướng dẫn thi hành khác cần phải tuân thủ. Do vậy, chính việc các nhà trường chưa tuân thủ tốt các quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 43 là nguyên nhân dẫn đến đến nhiều thiếu sót, sai phạm như nói trên.

Một số kiến nghị

Để khắc phục tình trạng thiếu sót, sai phạm trong thực hiện Nghị định số 43 ở các trường như nói trên và góp phần thực hiện tốt pháp luật về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính tại các nhà trường đại học trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và ban lãnh đạo trường đại học trong chỉ đạo, lãnh đạo nhà trường triển khai thực hiện thực chất các quy định pháp luật trong quản lý giáo dục nói chung và Nghị định 43 nói riêng.

Thực tế cho thấy những thiếu sót sai phạm vừa qua có nguyên nhân từ phía ban lãnh đạo của các trường đại học chưa thực sự phát huy vai trò lãnh đạo của mình trong việc chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển của nhà trường; khi tổ chức triển khai các kế hoạch công việc chưa chú ý thường xuyên rà soát đối chiếu với quy định của pháp luật để kịp thời điều chỉnh, dẫn đến các vi phạm kéo dài, có hệ thống nhiều trên lĩnh vực.

Thứ hai, công khai, minh bạch các hoạt động của trường đại học nhất là những mảng công việc thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 43 theo đúng quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động.

Cần chú ý công khai cho hội đồng trường, thanh tra nhân dân của trường và toàn thể viên chức, người lao động của nhà trường, công khai trên trang mạng thông tin của nhà trường để sinh viên có thể theo dõi và các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời nắm bắt, điều chỉnh. Thực tế cho thấy, đến khi các sai phạm được thanh tra công bố thì các chủ thể có liên quan trong trường đại học mới biết được các sai phạm của các hoạt động do ban lãnh đạo hoặc các đơn vị thuộc nhà trường triển khai, nếu các hoạt động được công khai, minh bạch ngay từ đầu có thể đã không xảy ra, không lặp lại hoặc không bị kéo dài nhiều năm.

Thứ ba, tăng cường sự tự kiểm soát hoạt động của trường đại học bằng các công cụ kiểm soát nội bộ để chủ động phòng ngừa, phát hiện và chủ động chấm dứt các hoạt động vi phạm pháp luật.

Thanh tra nội bộ và thanh tra nhân dân là hai đầu mối quan trọng của nhà trường trong việc tham mưu giúp lãnh đạo nhà trường thường xuyên giám sát, kiểm tra các mặt hoạt động, qua đó sẽ phát hiện những biểu hiện thiếu sót, vi phạm pháp luật của các đơn vị khác (trong tham mưu cho lãnh đạo nhà trường hoặc trực tiếp triển khai các hoạt động cụ thể) để kịp thời ngăn chặn và xử lý, không để vi phạm kéo dài, có hệ thống. Các chủ thể đảm nhiệm công việc này cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động tự kiểm soát của các trường hàng năm và tổ chức thực hiện một cách thực chất các kế hoạch đã được phát hành.

Thứ tư, các cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra các trường đại học trong quá trình hoạt động và phải theo dõi các trường khắc phục thiếu sót được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Cần tăng cường kiểm tra chuyên đề vì thanh tra theo đoàn không phải lúc nào cũng tổ chức được và thường mất nhiều thời gian. Khi phát hiện sai phạm phải kiên quyết kiến nghị xử lý nghiêm túc và theo dõi đến cùng việc thực hiện các kiến nghị đã được cấp có thẩm quyền chuẩn y.

Thứ năm, cần có những nghiên cứu chuyên sâu, tổng kết việc thực hiện pháp luật trong trường đại học để có những luận giải về khoa học giúp cho cho các trường hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đến mức tối thiểu.

Thực tế cho thấy, các trường đại học đều là nơi có những cá nhân có trình độ giáo dục bậc cao, nhận thức sâu sắc nhiều vấn đề xã hội, có các đơn vị chuyên về giảng dạy pháp luật hoặc thậm chí như một trường đại học chuyên đào tạo pháp luật … nhưng lại xảy ra những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật là khó có thể chấp nhận được.

Tóm lại, trường đại học là nơi hội tụ của tri thức, đạo đức, là nơi huấn luyện con người kỹ năng làm việc, giáo dục con người hoàn thiện về nhân cách của công dân sống trong nhà nước pháp quyền, do đó cần gương mẫu trong việc tổ chức thực hiện pháp luật trong quá trình hoạt động của nhà trường đại học./.

TS. Hà Quang Thanh
Phân viện Học viện HCQG tại TPHCM


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001.
  2. Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009.
  3. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
  4. Quyết định 58/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ Trường đại học.
  5. Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành “Điều lệ trường đại học”.
  6. Thông báo số 879/TB-TTCP ngày 16/4/2015 của Thanh tra Chính phủ về Kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ tại Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Thông báo số 880/TB-TTCP ngày 16/4/2015 của Thanh tra Chính phủ về Kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ tại Đại học Huế .
  8. Thông báo số 878/TB-TTCP ngày 16/4/2015 của Thanh tra Chính phủ về Kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
  9. Thông báo số 878/TB-TTCP ngày 16/4/2015 của Thanh tra Chính phủ về Kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ tại Trường Đại học Luật TP.HCM.
  10.  https://thanhtra.gov.vn/; https://thanhtra.gov.vn/ket-luan-thanh-tra.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra