1. Cơ sở pháp lý xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Cơ sở dữ liệu quốc gia về về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (sau đây được viết tắt là: Cơ sở dữ liệu quốc gia) được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống báo cáo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được phân theo hệ quản trị, hệ nghiệp vụ. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia để kết nối trên phạm vi cả nước; các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cơ quan, địa phương để kết nối với cơ sở dữ liệu của Thanh tra Chính phủ(2).
Thanh tra tỉnh Khánh Hòa họp bàn về việc kết nối sử dụng bổ sung Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) tới các cơ quan khối đảng và một số cơ quan khác, tháng 8/2020. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Cơ sở pháp lý để xây dựng Dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (sau đây gọi tắt là Dự thảo) được thể hiện cụ thể trong các văn bản như: Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 15/4/2015 của Chính phủ về Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương…
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia là một trong những nhiệm vụ tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật khác vào phục vụ công tác tiếp công dân(3), nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần phát triển Chính phủ điện tử.
2. Góp ý Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
2.1. Về phạm vi điều chỉnh
Việc xác định rõ hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, đảm bảo thực hiện pháp luật được đúng đắn, thống nhất, qua đó nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được xác định theo thời gian, không gian và đối tượng tác động. Trong đó, hiệu lực theo đối tượng tác động của văn bản quy phạm pháp luật là những cá nhân, tổ chức có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật có đối tượng tác động riêng và thường là một loại đối tượng nhất định để phát huy cao nhất hiệu quả điều chỉnh của văn bản. Ngày nay, kĩ thuật lập pháp ngày càng được nâng cao, hiệu lực theo đối tượng tác động được ghi rõ trong điều khoản quy định về phạm vi điều chỉnh của văn bản đó. Bên cạnh đó, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên nguyên tắc khoa học. Nguyên tắc khoa học không chỉ đòi hỏi đối với nội dung của các quy định pháp luật mà còn đối với cả hình thức thể hiện của chúng. Về hình thức bố cục, cấu trúc, cách thức trình bày các quy phạm pháp luật phải mang tính khoa học. Mỗi quy phạm pháp luật cần sắp xếp logic, hợp lí trong hệ thống quy phạm pháp luật. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở khoa học chính là điều kiện để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả thực tế của các quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị định trình bày quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ở hai điều khác nhau, cụ thể: Phạm vi điều chỉnh - được trình bày tại Điều 1 và đối tượng áp dụng - được trình bày tại Điều 2, là chưa phù hợp với nguyên tắc khoa học trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực chất quy định tại Điều 1 đã bao gồm cả đối tượng áp dụng của Nghị định, cho nên, thiết nghĩ không cần thiết có thêm quy định của Điều 2 của Nghị định. Mặt khác, cách diễn đạt tại Điều 2 của Nghị định không rõ ràng, gây khó hiểu. Vì vậy, tác giả đề nghị giữ nguyên quy định tại Điều 1 của Dự thảo và bỏ quy định tại Điều 2 của Dự thảo.
2.2. Về thông tin được cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia trước hết phải đảm bảo tính chính xác và đầy đủ. Cơ sở dữ liệu quốc gia là tập hợp các thông tin, dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh được xây dựng, quản lý theo quy định pháp luật. Dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Cơ sở dữ liệu được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các tài liệu nghiệp vụ khác, có cấu trúc phù hợp với các tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào của hệ thống, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực với hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ. Vì vậy, để đảm bảo tính đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, phải tương ứng cả về số lượng và nội dung giữa dữ liệu điện tử và hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ bằng giấy.
Tuy nhiên, thông tin được cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, quy định tại Điều 6 Dự thảo là chưa phù hợp, tương thích với hồ sơ, tài liệu bằng giấy được quy định trong pháp luật có liên quan. Chẳng hạn:
Thông tin
|
Dự thảo
|
Pháp luật có liên quan
|
Khiếu nại
|
a) Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại;
b) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
c) Tóm tắt nội dung khiếu nại và tình hình giải quyết khiếu nại;
d) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
đ) Kết quả thi hành quyết định giải quyết khiếu nại.
(khoản 4 Điều 6)
|
Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm:
a) Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
b) Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
c) Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
d) Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
đ) Quyết định giải quyết khiếu nại;
e) Các tài liệu khác có liên quan.
(Điều 34 Luật Khiếu nại năm 2011)
|
Tố cáo
|
a) Họ tên, địa chỉ của người tố cáo;
b) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo;
c) Tóm tắt nội dung tố cáo và tình hình giải quyết tố cáo;
d) Kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;
đ) Kết quả thực hiện kết luận nội dung tố cáo.
(khoản 5 Điều 6)
|
Hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo bao gồm:
a) Đơn tố cáo hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo; báo cáo hoặc biên bản kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân của người tố cáo, biên bản làm việc trực tiếp với người tố cáo để xác minh nội dung tố cáo;
b) Quyết định thụ lý tố cáo; văn bản giao xác minh nội dung tố cáo;
c) Biên bản xác minh; kết quả giám định, thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh;
d) Văn bản giải trình của người bị tố cáo; biên bản làm việc với người bị tố cáo về nội dung giải trình;
đ) Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cho người khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo;
e) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo; quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo;
g) Kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo;
h) Quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo, văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý;
i) Các tài liệu khác có liên quan.
2. Đối với việc giải quyết lại vụ việc tố cáo, hồ sơ bao gồm những tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:
a) Đơn tố cáo tiếp hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo tiếp; văn bản yêu cầu hoặc kiến nghị về việc giải quyết lại vụ việc tố cáo;
b) Kết luận nội dung giải quyết lại vụ việc tố cáo;
c) Quyết định xử lý của người giải quyết lại vụ việc tố cáo;
d) Các tài liệu khác có liên quan trong quá trình giải quyết lại vụ việc tố cáo.
(Điều 39 Luật Tố cáo năm 2018)
|
Vì vậy, tác giả cho rằng, thông tin được cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định tại Điều 6 Dự thảo cần phải sửa lại theo hướng phải quy định đầy đủ, chính xác như hồ sơ giấy được pháp luật có liên quan quy định.
2.3. Về đối tượng khai thác, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
Khoản 2 Điều 17 Dự thảo quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu bao gồm: a) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, các Phó Thủ tướng Chính phủ và thành viên Chính phủ, các Phó Chủ tịch Quốc hội và ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong phạm vi toàn quốc; b) Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các ban đảng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong phạm vi toàn quốc; c) Các ban của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, văn phòng hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, văn phòng tỉnh ủy và các ban thuộc tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; d) Các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khác theo quy định của pháp luật". Như vậy, công dân với tư cách là người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sẽ không thuộc đối tượng được khai thác, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, kể cả là dữ liệu liên quan đến bản thân mình. Tuy nhiên, mục đích của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia là nhằm phục vụ công tác tiếp công dân, thì công dân phải có đầy đủ quyền của mình trong công tác tiếp công dân, trong đó có quyền tiếp cận đối với các thông tin liên quan đến bản thân mình. Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia là một loại thông tin mà cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải công khai rộng rãi(4). Vì vậy, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, cũng như sự phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, thì nên bổ sung quy định: "Cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật" tại khoản 2 Điều 17 Dự thảo.
2.4. Về từ chối yêu cầu cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu
Bên cạnh việc cung cấp thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, Dự thảo cũng quy định rõ về việc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin nhằm tạo cơ chế cho phép cơ quan nhà nước xem xét đưa ra quyết định không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không bị coi là vi phạm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu hay thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Theo đó, "cơ quan có chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu có quyền từ chối yêu cầu trong các trường hợp sau: a) Không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 17 của Nghị định này; b) Khi có căn cứ cho rằng yêu cầu đó trái pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân" (khoản 3 Điều 18). Về cơ bản, cơ quan cung cấp thông tin phải nỗ lực, tích cực trong việc cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trong trường hợp thông tin được yêu cầu rơi vào trường hợp bị từ chối thì cơ quan nhà nước có quyền từ chối cung cấp thông tin. Nhưng hình thức từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền lại chưa được Dự thảo quy định rõ ràng, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu. Với quy định này, cơ quan có thẩm quyền có thể từ chối bằng miệng và nguy hiểm hơn cả là việc từ chối không được nêu rõ lý do để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết. Do đó, bài viết đề nghị bổ sung quy định: "Trường hợp từ chối cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do" vào khoản 3 Điều 18 Dự thảo. Việc quy định cơ quan nhà nước phải thông báo về việc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của chủ thể có thẩm quyền đối với quyền khai thác, sử dụng dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhằm bảo vệ quyền của người yêu cầu cung cấp thông tin. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối, người yêu cầu có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định từ chối của cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình./.
Dương Văn Quý
Chú thích:
(1) Toàn văn Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ. https://thanhtra.gov.vn/web/guest/lay-y-kien-du-thao-ve-vbqppl/-/duthao/gopyduthaovanban/96601 _4_WAR_vnptportalduthaovanbanportlet_redirectURL=%2Flay-y-kien-du-thao-ve-vbqppl, truy cập ngày 20/8/2021;
(2) Khoản 3 Điều 18 của Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân năm 2013;
(3) Khoản 1 Điều 33 Luật Tiếp công dân năm 2013;
(4) Điểm l khoản 1 Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.