Xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng góp phần thực hiện pháp luật PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước

Thứ hai, 30/08/2021 12:46
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của cả người dân và doanh nghiệp. Trong vấn nạn tham nhũng, doanh nghiệp được nhìn nhận dưới góc độ vừa là “nạn nhân”, vừa là “tác nhân” của tình trạng này. Khu vực công và khu vực tư được nhiều chuyên gia nhìn nhận như “bình thông nhau” vì có mối quan hệ tác động qua lại, thậm chí khu vực tư đôi khi là nơi ẩn giấu, “sân sau” của hành vi tham nhũng trong khu vực công.

Để công tác PCTN có hiệu quả, cần phải làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động, kinh doanh của khu vực ngoài Nhà nước (khu vực tư). Trong đó, việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước.

1. Lý thuyết về xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng
Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa dùng để diễn tả những hành vi, tư duy, tình cảm, các sản phẩm vật chất của cộng đồng hoặc tập thể người riêng biệt, được đúc kết, lan truyền và chia sẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nơi này sang nơi khác. 
Còn kinh doanh là một hoạt động cơ bản của xã hội. Hoạt động này xuất hiện gắn liền với sự xuất hiện của nền sản xuất hàng hóa. Kinh doanh là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Do vậy, văn hóa kinh doanh có thể hiểu là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào trong hoạt động kinh doanh của chủ thể, là văn hóa mà các chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh hình thành nên sự ổn định và đặc thù riêng của từng cá thể kinh doanh hoặc doanh nghiệp.
Chiến lược PCTN quốc gia đến năm 2020 đã nhấn mạnh: “Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong PCTN thông qua việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời những hành vi nhũng nhiễu, qua đó kìm chế và từng bước ngăn ngừa tham nhũng”. 
Có thể thấy, xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng (không tham nhũng) là sự thay đổi nhận thức về vai trò của công tác PCTN trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng và hình thành văn hóa kinh doanh phi tham nhũng. Đây cũng là một trong những yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững của một xã hội văn minh.
leftcenterrightdel

Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực thi quy định pháp luật về PCTN do Thanh tra Chính phủ phối hợp với VCCI, UNDP tổ chức năm 2020.

2. Thực trạng việc xây dựng văn hóa kinh doanh và áp dụng Luật PCTN trong khu vực tư tại Việt Nam
Xây dựng văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong những nhiều năm qua. Trong bài phát biểu phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày 07/11/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã xác định: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp”. Đồng thời, khi đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam với 5 nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp Việt Nam từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hai là, xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ba là, phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội.
Bốn là, lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động sáng tạo.
Năm là, nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ, nhân viên và người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hóa và môi trường làm việc.
Ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 248/QĐ-TTg 2018 thành lập Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Sau một thời gian thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung thực hiện một số công việc chủ yếu như: Xây dựng Quy chế tôn vinh “doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu”; xây dựng Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về Quy chế tôn vinh và Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và phối hợp triển khai, tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề “văn hoá doanh nghiệp - nền tảng để phát triển bền vững” tại TP. Hồ Chí Minh; tổ chức Festival Văn hóa doanh nghiệp “bản sắc và hội nhập” tại Hà Nội...
Việc xây dựng văn hóa kinh doanh đối với khu vực tư đã chính thức được thể chế hóa vào Luật PCTN năm 2018. Đây là lần đầu tiên Luật PCTN mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực tư và trong Luật PCTN năm 2018 có 10 điều luật quy định về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước, gồm các quy định mang tính chất khuyến nghị cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước và các quy định mang tính chất bắt buộc cho một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. 
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư thực hiện đúng Luật PCTN, Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh đã tài trợ để Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp và hỗ trợ Thanh tra Chính phủ thực hiện xây dựng các hướng dẫn thi hành quy định pháp luật về PCTN cho khu vực tư. Nhóm nghiên cứu đã điều tra, khảo sát trên 41 doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực tư đại diện cho 03 miền: Bắc, Trung, Nam đều cho kết quả là cần thiết phải xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; đồng thời, thấy được sự cần thiết của việc xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát trong doanh nghiệp, tổ chức mình. 
Qua kết quả khảo sát nhận thấy, có 22% đối tượng được hỏi đã xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và 48% đang xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh nhằm phòng ngừa tham nhũng, và 28% chưa tiến hành xây dựng(*). Trong số 22% đối tượng đã xây dựng chủ yếu gồm các công ty hợp danh và công ty cổ phần. 
Số lượng 28% tổ chức, doanh nghiệp chưa xây dựng (chủ yếu là các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn) và 48% đang xây dựng cho thấy phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp cần được nhận diện và hỗ trợ trong việc xây dựng một bộ quy tắc khung chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh.
Từ kết quả khảo sát trên cho thấy, nhóm các doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn dường như ý thức trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh và áp dụng Luật PCTN chưa cao, vì đối tượng này thường chỉ tập trung vào mục đích kinh doanh, không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, không có cán bộ pháp luật chuyên trách. Nhìn chung, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 93% số lượng doanh nghiệp trong toàn quốc, có một vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước nhưng chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng văn hóa kinh doanh và áp dụng Luật PCTN. Do vậy, việc xây dựng những chính sách lớn để thúc đẩy văn hóa kinh doanh lành mạnh, nói không với tham nhũng, hối lộ trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược PCTN dài hạn của đất nước ta hiện nay, nhất là giai đoạn thực thi các hiệp định như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA)…
3. Một số giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Luật PCTN trong khu vực tư tại Việt Nam hiện nay
Để triển khai có hiệu quả Luật PCTN trong khu vực tư tại Việt Nam cần có một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN trong khu vực tư đã được thể chế hóa trong Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PCTN. 
Để thực hiện điều này, về phía các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư, cần nâng cao nhận thức và ý thức đối với việc thực hiện công tác PCTN, xác định được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình khi thực hiện tốt các quy định mới trong Luật PCTN hiện hành.
Thứ hai, các cơ quan Nhà nước phải bảo đảm cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để thực hiện các quy định của pháp luật; xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy định của pháp luật về PCTN trong các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, đặc biệt là những chế tài hành chính, hình sự xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng.
Thứ ba, cần thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định, nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư theo quy định của Luật PCTN năm 2018. Để làm được điều đó, trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế hiện nay, cần xây dựng liêm chính, văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị mình, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả PCTN trong khu vực này.

Việc áp dụng các biện pháp PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư là một nội dung mới, do vậy, cần tiến hành từng bước cả về quy mô và đối tượng áp dụng… để trên cơ sở đó đánh giá, tổng kết và tổ chức thực hiện trên phạm vi rộng hơn trong thời gian tới./.

Luật gia - Ths. Lê Quang Kiệm


Chú thích:
(*) Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước tại Việt Nam của Nhóm nghiên cứu UNDP.


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra