Bộ Nội vụ: Tăng cường kỷ cương hành chính, văn hóa, đạo đức công vụ

Thứ hai, 22/01/2024 18:01
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm trong xử lý công việc; kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hóa, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 được Bộ Nội vụ chú trọng.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng

Về công khai, minh bạch trong hoạt động, trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; quản lý dự án đầu tư xây dựng; tài chính và ngân sách; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và thực hiện công khai, minh bạch việc bổ nhiệm, tiếp nhận, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, công tác công khai, minh bạch trong hoạt động còn được Bộ Nội vụ công khai dưới các hình thức: Tại cuộc họp giao ban công tác tháng của Bộ và thông qua mạng Voffice; họp báo; cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ.

Đối với việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thực hiện thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Nội vụ năm 2023; Quy chế về quản lý trụ sở cơ quan Bộ Nội vụ.

Đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, chứng từ thanh toán, bảo đảm đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước và Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chi thường xuyên.

Bộ Nội vụ đã cắt giảm các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các cuộc kiểm tra và tập huấn không cần thiết hoặc lồng ghép nhiều nội dung để giảm thiểu số lượng cuộc họp, hội nghị, hội thảo, kiểm tra và tập huấn, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đạt chất lượng, đúng mục đích.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: Chinhphu.vn)

Về việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, trong năm 2023, Bộ Nội vụ thực hiện Quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ. Ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 293/QĐ-BNV phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ; trong đó, quy định 12 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra công vụ. Ngày 09/5/2023, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong Bộ Nội vụ. Thực hiện Nghị quyết này, ngày 23/6/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 455/QD-BNV thành lập Tổ công tác kiểm tra trách nhiệm trong xử lý công việc; kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính; văn hóa, đạo đức công vụ đối với công chức, viên chức, người lao động trong Bộ Nội vụ.

Hiện nay, việc chấp hành giờ làm việc của công chức, viên chức, người lao động tại trụ sở làm việc của Bộ Nội vụ đã có nền nếp; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính và đạo đức, văn hóa công vụ tại một số đơn vị thuộc Bộ. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ tự thành lập Tổ công tác để kiểm tra công vụ đối với công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình; định kỳ báo cáo về Tổ công tác của Bộ Nội vụ. Kết quả, đã kiểm tra đột xuất tại 12 đơn vị, kiểm tra theo kế hoạch tại 03 đơn vị, các đơn vị nghiêm túc triển khai việc thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ; phổ biến, quán triệt thực hiện trách nhiệm trong xử lý công việc; việc chấp hành kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hóa, đạo đức công vụ của công chức, người lao động tại đơn vị theo nội quy, quy chế của Bộ và của đơn vị. Qua kiểm tra, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị đã nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp; ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp được nâng cao; việc chấp hành thời gian, giờ làm việc đã dần đi vào nền nếp.

Về việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng, Bộ Nội vụ đã triển khai các bước về công tác nhân sự, đảm bảo quy hoạch và có tính kế thừa; chú trọng việc không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý các cấp theo phân cấp quản lý, tập trung vào việc sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ. Sau khi được bổ nhiệm, chuyển đổi, đa số cán bộ quản lý các cấp đã phát huy được vai trò, vị trí lãnh đạo của mình. Một số đơn vị thuộc Bộ đã triển khai việc chuyển đổi vị trí công tác của công chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý.

Nhìn chung, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Nội vụ luôn sát sao, chỉ đạo kịp thời, đôn đốc triển khai và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu đảm bảo theo hoàn thành các mục tiêu, chương trình, kế hoạch đã đề ra. Bộ Nội vụ đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), luôn coi trọng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, qua đó góp phần ổn định hệ thống chính trị - xã hội của đất nước.

Vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập

Đối với việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập (TSTN), trên cơ sở bản kê khai TSTN của công chức, viên chức và tài liệu minh chứng, Bộ Nội vụ đã ban hành kết luận xác minh TSTN đối với 20 công chức, viên chức được xác minh TSTN năm 2021, 2022 và triển khai việc công khai bản kê khai theo quy định.

Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát TSTN hiện nay còn vướng mắc, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc kê khai tài sản, ký nhận, niêm yết công khai bản kê khai TSTN; nội dung, phương pháp, cách thức, các bước tiến hành việc xác minh TSTN hằng năm.

Do đó, để việc thi hành pháp luật về công tác PCTN,TC được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhà nước và người dân, Bộ Nội vụ đề nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện việc kê khai tài sản, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp nhận, ký nhận, niêm yết công khai bản kê khai và hướng dẫn quy trình cụ thể, thống nhất về nội dung, phương pháp, cách thức, các bước tiến hành việc xác minh TSTN hằng năm.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đối với những người được giao phụ trách liên quan đến công tác kiểm soát TSTN và quản lý việc kê khai TSTN để kịp thời giải quyết các vấn đề còn chưa rõ hoặc có vướng mắc giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể sớm triển khai thực hiện, bảo đảm thống nhất và đúng quy định.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra