Triển khai nội dung về phòng, chống tham nhũng trong các trường học, đã góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực
Ngày 12/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tiếp sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chỉ đạo và tổ chức đưa nội dung PCTN vào giảng dạy từ năm học 2013 - 2014.
Theo đó, Bộ yêu cầu, đối với cấp học trung học phổ thông, nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép vào môn học Giáo dục công dân với thời lượng là 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12.
Đối với chương trình ngoại khóa, các trường lựa chọn đưa nội dung PCTN vào các hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc thù của từng cấp học với một số hình thức như: báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về PCTN, lồng ghép nội dung PCTN trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm, xây dựng chuyên mục giáo dục về PCTN trên trang thông tin điện tử của trường…
Việc tổ chức giảng dạy nội dung PCTN tại các cơ sở giáo dục, đào tạo được thực hiện theo phương pháp lồng ghép, tích hợp vào các môn học được quy định phù hợp với từng cấp học, đảm bảo không tăng về số tiết và định mức giảng dạy của giáo viên và lồng ghép tuyên truyền nội dung PCTN trong các hoạt động ngoại khóa.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường THPT và các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức thực hiện và kiểm tra, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo định kỳ vào cuối năm học; các trường đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp: Lựa chọn môn học phù hợp để tích hợp, lồng ghép nội dung giảng dạy PCTN; bố trí giáo viên, giảng viên giảng dạy chính khóa và có hình thức tổ chức ngoại khóa thích hợp.
Ngay sau hướng dẫn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện nội dung này. Sau thời gian thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực do chương trình đưa nội dung PCTN vào trường học mang lại thì vãn còn đó nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, ngay từ học kỳ II, năm học 2013 - 2014, các trường THPT trong toàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện. Với thời lượng tương đương 6 tiết, nội dung PCTN được các trường tích hợp, lồng ghép vào môn giáo dục công dân. Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản phân phối các tài liệu về PCTN của Thanh tra Chính phủ cho các trường THPT.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Giáo viên chưa có điều kiện phân tích sâu, làm rõ vấn đề về phòng, chống tham nhũng
Trong đó, mỗi trường được nhận 2 bộ tài liệu, gồm: bồi dưỡng, tập huấn về PCTN dành cho giáo viên các trường THPT; tài liệu tham khảo về PCTN và sổ tay công tác PCTN với nội dung thiết thực, đã giúp cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân có nhiều thuận lợi hơn trong việc giảng dạy, tích hợp nội dung này qua từng tiết học. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tư pháp cũng nhiều lần phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về Luật PCTN cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân cấp THPT.
Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, qua việc triển khai nội dung về PCTN trong các trường học, đã góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực. Minh chứng là nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục đã được nâng lên, hiện tượng tham nhũng trong các đơn vị trường học chưa có xảy ra; học sinh được trang bị kiến thức tốt hơn về PCTN, giúp các em nhận thức được những tác hại của các vụ việc liên quan đến tham nhũng và đa số công chức, viên chức trong ngành giáo dục đều có ý thức cao trong công tác PCTN tại đơn vị mình công tác.
Đánh giá về hiệu quả thực tế, đại diện Ban Giám hiệu Trường THPT Hoàng Diệu cho biết, từ khi có Chỉ thị số 10, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai tới tập thể cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy cho học sinh. Trường THPT Hoàng Diệu yêu cầu giáo viên phụ trách phải xây dựng kế hoạch, soạn giáo án chi tiết ở từng khối lớp để giảng dạy sao cho phù hợp với lứa tuổi các em; đồng thời, còn lồng ghép vào các hoạt động phong trào tại trường.
Còn các em học sinh thì chia sẻ, trong thời gian đầu, các em cảm thấy “ngán” khi nghe thầy cô giảng dạy những nội dung liên quan đến công tác PCTN, vì nội dung khô khan, đơn điệu. Tuy nhiên, sau một thời gian, thầy cô phụ trách đưa ra những ví dụ cụ thể, sinh động hơn nên dần dần các em thích nghe hơn về các nội dung có liên đến công tác PCTN này. Qua đó, thấy được hành vi tham nhũng ảnh hưởng rất lớn đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó, mỗi cá nhân ý thức cao hơn về việc tu dưỡng đạo đức cho bản thân, để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tuy vậy, theo đại diện của Sở Giáo dục và Đòa tạo, qua một thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ, việc đưa nội dung PCTN vào các cơ sở giáo dục, đào tạo bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, tài liệu minh họa cho phần minh chứng chủ yếu do giáo viên phụ trách tự tìm, để phục vụ cho công tác giảng dạy. Nhìn nhận một cách khách quan, vẫn còn số ít học sinh chưa ý thức cao về việc PCTN, vì cho rằng đó là việc của người có chức, có quyền không liên quan đến bản thân, gia đình mình.
Ngoài ra, hạn chế lớn nhất là việc giáo viên giảng dạy không có chuyên môn về kiến thức pháp luật nên giảng dạy chưa sâu; thời gian tập huấn không nhiều nên còn lúng túng khi lên lớp. Hơn nữa, thời lượng lồng ghép, truyền đạt nội dung PCTN còn ít, giáo viên chưa có điều kiện phân tích sâu, làm rõ vấn đề. Bên cạnh đó, tham nhũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nên giáo viên vẫn còn chưa mạnh dạn khi đưa ra các ví dụ để tăng độ hứng thú cho học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp.
Từ thực tiễn thiển khai thực hiện Chỉ thị 10 tại địa phương mình, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng kiến nghị nên tăng thời lượng giảng dạy môn giáo dục công dân mỗi khối thêm 1 tiết để việc giảng dạy, giáo dục học sinh đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho giáo viên tham gia giảng dạy lồng ghép nội dung PCTN. Đi cùng với đó, Sở Tư pháp nên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở nhiều lớp tập huấn về PCTN, bổ sung các nguồn tài liệu và văn bản hướng dẫn để giáo viên thực hiện việc lồng ghép thuận lợi. Đặc biệt là cần sự quan tâm sâu sát hơn nữa của ban giám hiệu các trường về công tác tuyên truyền PCTN./.