Đắk Lắk: Phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Thứ ba, 03/10/2023 17:00
(ThanhtraVietNam) - 09 tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Tiến hành 43 cuộc thanh tra trách nhiệm, điều tra 12 vụ/37 bị can

09 tháng đầu năm 2023, Thanh tra các cấp, các ngành tại Đắk Lắk đã triển khai 43 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (quý IV năm 2022 chuyển qua 09 cuộc, triển khai trong kỳ 34 cuộc). Đã kết thúc và ban hành kết luận 29 cuộc, đang tiếp tục triển khai 14 cuộc. Hiện nay, qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 09 vụ việc/32 đối tượng có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền 1.426.676.827 đồng, thu hồi 1.283.075.127 đồng.

Ngành Công an đã thụ lý điều tra 12 vụ/37 bị can (trong đó Quý IV/2022 chuyển sang 02 vụ/04 bị can, khởi tố mới 09 vụ/32 bị can, điều tra bổ sung 01 vụ/01 bị can). Cơ quan Công an đã chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 05 vụ/09 bị can có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền 1.426.676.827 đồng, thu hồi 1.283.075.127 đồng; đang tiếp tục điều tra: 07 vụ/28 bị can. Tòa án tỉnh thụ lý 02 vụ/03 bị cáo; đã xét xử 02 vụ/02 bị cáo.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Internet)

Nhìn chung, các cấp, các ngành tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; nhận thức về vai trò và trách nhiệm xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng đã được nâng cao. Các cơ quan báo chí, ngôn luận cũng đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; nhiều vụ việc sai phạm, có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến cán bộ, công chức đã được báo chí phản ánh, giúp các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, được dư luận đồng tình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện, một số tổ chức, đơn vị còn chậm trễ trong công tác báo cáo, công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng, kế hoạch thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng của Thủ trưởng các tổ chức Chính trị - xã hội và các công ty Đại chúng do chủ tịch UBND tỉnh thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt; kết quả của công tác tự kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao.

Triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, Đắk Lắk cần triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng. Tập trung hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 17/5/2023 về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng bằng nhiều hình thức về hoạt động cải cách hành chính. Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; đồng thời bảo vệ, phát huy nhân tố tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực được phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tái cơ cấu và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án tham nhũng phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát đối với việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng nói chung và trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng; đề cao vai trò giám sát của Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra