Đắk Lắk: Tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng

Thứ năm, 27/07/2023 14:00
(ThanhtraVietNam) - Tại Đắk Lắk, 06 tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, qua hoạt động thanh tra, địa phương chưa hiện chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Chính vì thế, tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, chính quyền địa phương nhằm khắc phục hạn chế còn tồn tại này.

Cụ thể, Thanh tra các cấp, các ngành trong tỉnh Đắk Lắk đã triển khai 26 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (quý IV năm 2022 chuyển qua 09 cuộc, triển khai trong kỳ 17 cuộc). Đã kết thúc và ban hành kết luận 14 cuộc, đang tiếp tục triển khai 12 cuộc và hiện chưa phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. ( Internet)

Liên quan đến phạm vi công tác phòng, chống tham nhũng, qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 08 vụ việc/22 đối tượng có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền 1.192.676.827 đồng, thu hồi 1.057.605.127 đồng. Trong đó, qua công tác điều tra xử lý tội phạm tham nhũng của ngành Công an cho thấy, tổng số án thụ lý điều tra là 11 vụ/27 bị can (Quý IV/2022 chuyển sang 02 vụ/04 bị can, khởi tố mới 08 vụ/22 bị can, điều tra bổ sung 01 vụ/01 bị can); chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 04 vụ/08 bị can có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền 1.192.676.827 đồng, thu hồi 1.057.605.127 đồng; còn 07 vụ/19 bị can đang tiếp tục điều tra. Ngành Kiểm sát thụ lý 04 vụ/08 bị can truy tố án tham nhũng, đã xử lý 01 vụ/01 bị can, đang giải quyết 03 vụ/07 bị can. Tòa án tỉnh Đắk Lắk đang thụ lý và đã xử lý 02 vụ/02 bị cáo.

Được biết, Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 đã được UBND tỉnh triển khai đến các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức doanh nghiệp khu vực nhà nước, ngoài nhà nước nhưng một số tổ chức, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng, chưa thực hiện báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tham nhũng; hàng năm chưa xây dựng kế hoạch thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng các tổ chức chính trị - xã hội và các công ty đại chúng do chủ tịch UBND tỉnh thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ. Đáng chú ý, công tác phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến kết quả của công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại nói trên, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng. Tập trung hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Cụ thể, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Triển khai xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm tại 13 sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh theo nội dung đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 132/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 và theo kết quả bốc thăm ngày 05/5/2023 của Thanh tra tỉnh.

Đồng thời, triển khai đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với UBND cấp huyện, thị xã, thành phố năm 2022 theo nội dung Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 06/3/2023 của UBND tỉnh nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước và kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện trong năm 2022, làm cơ sở để quán triệt các địa phương thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 17/5/2023 về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng bằng nhiều hình thức về hoạt động cải cách hành chính. Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; đồng thời bảo vệ, phát huy nhân tố tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực được phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án tham nhũng phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát đối với việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng nói chung và trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng; đề cao vai trò giám sát của Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng./.

Minh Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra