Điều kiện bảo đảm thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập

Thứ năm, 14/07/2022 17:49
(ThanhtraVietNam) - Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập là việc các chủ thể xã hội tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập; theo dõi, phát hiện, phản ánh và kiến nghị về tình trạng tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng, chống tham nhũng. Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa và phòng ngừa tham nhũng thì vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập ngày càng có vị trí quan trọng và phát huy trong thực tiễn. Sự tham gia của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập chỉ có hiệu quả khi các điều kiện về cam kết chính trị, cơ sở pháp lý, nhận thức - tổ chức và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền được bảo đảm. Bài viết sẽ tập trung phân tích các điều kiện bảo đảm thực hiện vai trò này của xã hội góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm soát tài sản nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay trên cơ sở so sánh với kinh nghiệm quốc tế.

1. Cam kết chính trị

Cam kết chính trị được hiểu là sự quan tâm thích đáng của các chính trị gia trong việc kiềm chế những nguyên nhân và tác động của tham nhũng bằng việc đề cao vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Thiếu sự đồng thuận của lãnh đạo và những cam kết chính trị về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập có thể là một thách thức lớn cho việc đảm bảo thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Một số chính phủ đã khá thành công trong việc thúc đẩy các chương trình tuân thủ tự nguyện với mục đích đưa ra các biện pháp bắt buộc và giúp cho cơ chế thực thi ở giai đoạn sau trở nên dễ dàng hơn về mặt chính trị. Đây là cách tiếp cận đã thành công ở Hàn Quốc, chẳng hạn như vào năm 1993, Chủ tịch Kim Young Sam đã công khai khối tài sản của mình và kêu gọi các bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác cũng làm như vậy. Hơn 300 quan chức đã tuân thủ và cuối năm đó, quốc gia này đã thông qua các yêu cầu bắt buộc về công bố thông tin đối với các quan chức nhà nước. Không phải tất cả các quan chức đều tham nhũng nên việc kiểm soát tài sản, thu nhập cũng là cần thiết để bảo vệ các công chức ngay thẳng khỏi bị nghi ngờ, cáo buộc và thiệt hại về uy tín. Do đó, việc công bố thông tin tài sản, thu nhập một cách đầy đủ có thể giúp khôi phục niềm tin của công chúng đối với các tổ chức công và công chức(1). Các chủ thể xã hội có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin kê khai của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phát hiện ra những khoản tài sản, thu nhập bất minh của những lãnh đạo cấp cao. Hồng Kông (Trung Quốc) và Indonesia cũng có những cam kết rất chặt chẽ chống hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức bởi hệ thống kê khai tài sản, thu nhập, trong đó các chủ thể xã hội có tiếp cận bản kê khai tài sản, thu nhập của công chức nhà nước. Ở Việt Nam hiện nay, việc giới thiệu và thực thi cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập có thể gặp phải một số những trở ngại nhất định đặc biệt trong việc tiếp cận công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng kê khai; việc xử lý vi phạm. Do đó, phần nào hạn chế sự tham gia của xã hội trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

leftcenterrightdel
 Pháp bản kê khai tài sản không được công khai 

Việc thiếu các cam kết chính trị chặt chẽ, rõ ràng là sự biểu biện của thiếu minh bạch, che giấu tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Một chính sách phòng, chống tham nhũng và một hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ không hiệu quả nếu thiếu đi sự cam kết chính trị rõ ràng của các nhà lãnh đạo dẫu Luật Phòng, chống tham nhũng đầy đủ hay các cơ quan phòng, chống tham nhũng đạt được sự độc lập trong hoạt động. Từ đó, cũng rất khó để thiết kế một hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả nếu thiếu sự cam kết chính trị rõ ràng, mạnh mẽ về việc ngăn chặn tham nhũng qua sự tham gia kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội(2).

2. Cơ sở pháp lý

Sau những cam kết chính trị quyết liệt về nâng cao vai trò của xã hội trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng, chống tham nhũng thì cơ sở pháp lý về vấn đề này cũng là một khía cạnh quan trọng tác động đến mức độ, hiệu quả của thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập trên thực tế. Cơ sở pháp lý về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn chiếm 25 điều trong Luật Phòng, chống tham nhũng và có một nghị định riêng quy định về vấn đề này đó là Nghị định 130/2020/NĐ-CĐ ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, những quy định về trách nhiệm của xã hội trong việc kiểm soát tài sản thu nhập còn mờ nhạt, gần như chỉ được thể hiện thông qua cơ chế công khai, hoặc có thể rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau dẫn đến những cách hiểu khác nhau, sự khó khăn trong việc tiếp cận các quy định, đặc biệt từ phía các chủ thể xã hội. Cần có sự thể hiện rõ hơn về địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội trong các hoạt động kê khai, công khai, giải trình, xác minh và xử lý vi phạm về kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như cần có sự ghi nhận về việc tiếp nhận, xử lý đối với các thông tin được cung cấp từ phía xã hội thông qua hình thức kiến nghị, phản ánh, báo cáo về tài sản, thu nhập.

Đối với đa số các nước có hệ thống kiểm soát tải sản, thu nhập, ngoài việc người dân được giám sát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thông qua quyền tiếp cận bản kê khai tài sản, thu nhập một cách công khai. Hệ thống pháp luật của một số quốc gia còn thiết kế (1) Các quy định có liên quan được thể hiện dưới dạng các quy định về xung đột lợi ích. Cụ thể là các chủ thể xã hội với các kỹ năng và nguồn lực cần thiết để rà soát, xem xét thận trọng những bản kê khai để hạn chế những xung đột lợi ích trong tương lai(3); (2) Các quy định hướng tới việc xây dựng một danh sách kiểm tra ngoài năng lực của cơ quan quản lý nhà nước để các chủ thể xã hội có thể xem xét kiểm tra lối sống của người có nghĩa vụ kê khai. Việc kiểm tra lối sống này mang lại những phát hiện đáng tin cậy hơn so với các hình thức kiểm tra chéo khác trong một số trường hợp cụ thể. Ở Mongolia, Nigeria, Philipinnes, Rominia và Rwanda, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện việc kiểm tra lối sống như một phần của khâu xác minh hoặc khi có những tố cáo tham nhũng hoặc những vi phạm được ghi nhận từ phía xã hội; (3) Các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của xã hội về tài sản, thu nhập bất minh hoặc hành vi bất minh của người có chức vụ, quyền hạn được xác định rõ ràng và được cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xử lý kịp thời. Ở một số quốc gia như Jordan, việc xác minh bản kê khai chỉ được tiến hành khi có kiến nghị, phản ánh chống lại người có nghĩa vụ kê khai; (4) Ở một số quốc gia quy định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập còn hướng tới sự kiểm soát thông qua cả những báo cáo của những người làm chính sách, người làm luật. Sự phối kết hợp giữa các quy định pháp luật với nhau tạo ra hiệu quả và uy tín cho hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia như Pháp, Macao thì bản kê khai tài sản không được công khai, nghĩa là gần như không có vai trò của xã hội trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn bởi các quốc gia này đặt niềm tin vào cơ chế chính phủ tín nhiệm đối với việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập và điều tra các hành vi tham nhũng khi có những dấu hiệu đáng ngờ. Chính phủ của các quốc gia này cũng nỗ lực bảo đảm sự cân bằng giữa quyền riêng tư của người kê khai tài sản, thu nhập với quyền tiếp cận thông tin của xã hội. Đây cũng là vấn đề tranh luận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù sự riêng tư của cá nhân được quy định như một quyền cơ bản của công dân nhưng quyền này sẽ không thực sự hiệu quả trong hệ thống kê khai tài sản, thu nhập. Như vậy vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập ở những quốc gia đó chủ yếu được thể hiện thông qua cơ chế phản ánh, kiến nghị. Chỉ với phương thức kiểm soát này, sự thành công của hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập phải đối mặt với thách thức của sự cân bằng hợp lý giữa quyền giám sát của xã hội trong phòng, chống tham nhũng và sự bảo vệ quyền riêng tư của đối tượng kê khai. Giải pháp một số quốc gia(4) đưa ra đó là công bố một số thông tin chung chung thay vì là toàn bộ các thông tin liên quan đến tài sản, thu nhập của người kê khai (không công khai thông tin về địa chỉ nhà, thông tin thuế và số tài khoản ngân hàng)(5).

3. Nhận thức tổ chức

Để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập thì cần có sự cải thiện về hệ thống tổ chức, con người trong các tổ chức, bộ phận thực hiện chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập. Cần có sự xem xét đối với từng nhóm chủ thể xã hội có vai trò trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Thứ nhất, bản thân các chủ thể xã hội gồm mặt trận tổ quốc, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, người dân, ban thanh tra nhân dân cũng cần phải có nhận thức về vai trò của mình trong vấn đề này cũng như có trình độ, chuyên môn trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Sự hạn chế về mặt nhận thức, số lượng và năng lực của người kiểm soát tài sản, thu nhập cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của bất cứ hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập nào trên thế giới. Về cơ bản các chủ thể xã hội đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau trên các lĩnh vực khác nhau, năng lực trình độ không đồng đều, không được bảo đảm bởi vậy ít có nhóm chủ thể xã hội nào có nhân lực chuyên môn hoá trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Đến bản thân các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của nhà nước hiện vẫn đang gặp phải không ít vướng mắc liên quan đến việc tổ chức vận hành việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, sự kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từ phía các chủ thể xã hội cũng gặp phải không ít trở ngại.

Số lượng bản kê khai tài sản hàng năm là rất lớn, số lượng người kiêm nhiệm hoặc có chuyên môn trong kiểm soát tài sản, thu nhập không được thống kê rõ ràng. Đa số các chủ thể xã hội bao gồm nhân sự làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, ban thanh tra nhân dân, người dân không được đào tạo bài bản kỹ năng, nghiệp vụ nên khó có thể đem lại hiệu quả cao nhất cho cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía xã hội. Tính chất hoạt động là tự phát bởi vậy tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức, giải quyết các vụ việc sẽ không cao.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới việc kiểm soát này được thể hiện chủ yếu thông qua cơ chế phản ánh, kiến nghị bởi vậy chính phủ quốc gia có thể tổ chức các khoá tập huấn, chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nghị quyết tới các chủ thể xã hội để họ nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của họ trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Hơn nữa, tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội có quyền truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để tra cứu các thông tin về việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

4. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm đối với cơ chế này cần được thể hiện rõ nét trên hai phương diện.

Thứ nhất, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin về tài sản, thu nhập, kết luận xác minh và xử lý vi phạm. Việc công khai thông tin tạo hiệu quả và sự tin tưởng cho hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập. Các chủ thể xã hội có thể đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc lựa chọn người đại diện cho mình trong quản lý nhà nước cũng như tạo ra áp lực thực thi cho những cán bộ được lựa chọn để giải quyết các hoạt động công vụ. Việc công khai này giúp các chủ thể xã hội có thể thực hiện việc kiểm tra lối sống của cán bộ, công chức. Phương thức kiểm soát này có thể nằm ngoài năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Ở một số nước, các chủ thể xã hội dành nhiều sự quan tâm đến việc công khai các thông tin này trong suốt thời gian bầu cử.

Thứ hai, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của xã hội về tài sản, thu nhập bất minh của người kê khai; hành vi bất minh của người kê khai tài sản, thu nhập. Việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của xã hội về vấn đề này cần được xem xét trong tổng thể hệ thống khiếu nại, tố cáo nói chung để phù hợp với đặc thù chính trị - xã hội của quốc gia đó. Nhận thức việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị là phương thức hữu hiệu tạo ra hiệu quả kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai từ phía xã hội, bởi vậy các quốc gia thường chú ý đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết vấn đề này.

Như vậy, có thể nhận thấy nếu thiếu một trong bốn điều kiện bảo đảm trên thì sự tham gia của xã hội không thể mang lại hiệu quả cho hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, kiến nghị được đưa ra có thể là các quốc gia nên tập trung vào thúc đẩy cam kết quyết tâm chính trị và sau đó đồng thời điều chỉnh các điều kiện khác để phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như hệ thống pháp lý của quốc gia.

Chú thích:

(1) AntiCorruption Resource Center (2008), African Experience of Asset Declarations, U4 Expert Answer, p6.

(2) ThS Ngô Thu Trang (2020), Một số nguyên nhân dẫn đến sự không hiệu quả của hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam, http://www.issi.gov.vn/mot-so-nguyen-nhan-dan-den-su-khong-hieu-qua-cua-he-thong-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-cua-nguoi-co-chuc-vu-quyen-han-o-viet-nam_t104c2716n3100tn.aspx, truy cập ngày 11/10/2021

(3) Stolen Asset Recovery Initiative. (2012). Public Office, Private Interest: Accountability through Income and Asset Disclosure. Washington, DC: Stolen Asset Recovery Initiative,  p14

(4) Argentina, Kyrgyz, Mongolia, Mỹ

(5) Stolen Asset Recovery Initiative. (2012). Public Office, Private Interest: Accountability through Income and Asset Disclosure. Washington, DC: Stolen Asset Recovery Initiative,  p86

 

 

 

Ths. Ngô Thu Trang
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra