Theo Chánh Thanh tra Thành phố, với sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, mang lại hiệu quả tích cực, được người dân hài lòng và đánh giá cao. Theo Báo cáo ngày 9 tháng 5 năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 thì Bộ chỉ số Sipas 2023 (mức độ hài lòng của người dân) và chỉ số thành phần trong PAPI đã cho thấy TPHCM là địa phương “được người dân lựa chọn nhiều nhất muốn chuyển đến sinh sống” của cả nước...
Cũng theo Chánh Thanh tra TP, để đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên, UBND TP thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương chú trọng, tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có trọng tâm, có trọng điểm và có hiệu quả thiết thực, nổi bật ở 06 điểm sau:
Trong 9 tháng đầu năm 2024, các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, UBND 21 quận, huyện đã rà soát và ban hành 1379 văn bản ban hành mới để thi hành các quy định pháp luật (gồm 981 văn bản liên quan Luật phòng, chống tham nhũng và 398 văn bản liên quan các quy định pháp luật khác), 36 văn bản sửa đổi bổ sung (gồm 21 văn bản liên quan Luật Phòng, chống tham nhũng và 15 văn bản liên quan các quy định pháp luật khác) và 04 văn bản hủy bỏ một số quy định pháp luật đã hết hiệu lực thi hành.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân Thành phố. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích cán bộ, công chức phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi “tham nhũng”.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành Thanh tra Thành phố đã tổ chức 1.506 cuộc tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố (gồm 1.225 cuộc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho 65.695 lượt người tham dự và 281 cuộc về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho 17.804 lượt người tham dự).
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các lĩnh vực nhạy cảm, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố đã thực hiện 1.369 cuộc thanh tra (gồm thanh tra hành chính là 182 cuộc và thanh tra chuyên ngành là 1.187 cuộc), trong đó có 29 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về Phòng, chống tham nhũng; đã ban hành được 745 kết luận thanh tra (gồm 109 kết luận thanh tra hành chính đối với 194 đơn vị và 645 kết luận thanh tra chuyên ngành đối với 10.939 tổ chức và 4.881 cá nhân), trong đó có 16 kết luận về kết quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về Phòng, chống tham nhũng. Qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM.
|
|
Đoàn công tác Ai Cập chụp hình lưu niệm với Thanh tra TPHCM (Ảnh: TT) |
Thứ tư, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đặc biệt là công tác kê khai, công khai tài sản thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập, công tác chuyển đổi vị trí công tác và công tác cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý, đã mang lại hiệu quả tích cực, được người dân hài lòng và đánh giá cao.
Thứ năm, công tác kiểm tra, xác minh theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (kể cả việc tăng hoặc giảm tài sản, thu nhập) là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Thứ sáu, TPHCM luôn xác định vai trò quan trọng của công tác “Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong thời gian qua, các cơ quan báo, đài và đội ngũ phóng viên đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đưa tin kịp thời về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực nhất là các nguồn thông tin về “tham nhũng vặt”, hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng, phản biện xã hội góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.