Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Văn Cảnh- Cục trưởng Cục IV; ông Ngô Văn Khương- Phó Cục trưởng Cục III; ông Chu Đức Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cùng các Thành viên Tổ công tác tham dự.
Về phía UBND tỉnh Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Ban Nội chính, UBKT Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát, Toà án, Công An tỉnh, Thanh tra tỉnh cùng một số sở, ngành có liên quan cùng tham dự.
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc thể hiện: Trong kỳ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2824/KH-UBND ngày 14/6/2019 triển khai thi hành Luật PCTN, các Kế hoạch về công tác PCTN hằng năm và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN để triển khai đến các cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, cũng như chấn chỉnh một số hạn chế, thiếu sót trong lĩnh vực PCTNTC; đồng thời, tiếp tục triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC của trung ương và tỉnh.
|
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng và Cục trưởng Cục IV, TTCP đồng chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Thanh Thủy) |
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn; duy trì sự phối hợp, trao đổi thông tin về công tác PCTNTC đạt hiệu quả, chú trọng công tác kiểm tra nhằm chấn chỉnh kịp thời hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong kỳ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành 449 văn bản để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật trong công tác PCTNTC, Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong kỳ, UBND tỉnh đã tổ chức 18 Hội nghị và 43 Lớp tập huấn tuyên truyền, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan với 5.764 lượt người tham dự. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền pháp luật về PCTNTC thông qua việc phát sóng “Câu chuyện pháp luật” trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương; phối hợp với Báo Bình Dương viết và đăng các tin bài phóng sự về PCTN.
Công tác thanh, kiểm tra trách nhiệm PCTNTC: Trong kỳ, đã triển khai 142 cuộc đối với 313 đơn vị, trong đó cấp tỉnh triển khai 97 cuộc đối với 140 đơn vị; cấp huyện triển khai 45 cuộc đối với 173 đơn vị. Ngoài ra, toàn tỉnh đã tiến hành 348 cuộc thanh tra hành chính tại 822 đơn vị và 2.979 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 23.003 tổ chức, cá nhân.
Về công tác xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ: Trong kỳ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành mới 258 văn bản; đồng thời, tổ chức 83 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.
|
|
Các Thành viên Tổ công tác Thanh tra Chính phủ ( Ảnh: Thanh Thủy) |
Theo UBND tỉnh, việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định là biện pháp quan trọng nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng và chống các biểu hiện tiêu cực, luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định. Trong kỳ, số CB, CC, VC phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 722 trường hợp; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 666 trường hợp (sở, ban, ngành: 275 trường hợp và UBND các huyện, thành phố: 391 trường hợp).
Đối với công tác kê khai tài sản thu nhập toàn tỉnh: Kê khai lần đầu tiếp nhận 5.166/5.167 Bản kê khai (có 01 trường hợp không kê khai do đang điều trị bệnh) của 548/548 cơ quan, đơn vị (gồm Sở, ban ngành tỉnh, các đơn vị trực thuộc và các đơn vị cấp huyện, xã phường, thị trấn).
Kê khai hằng năm: Năm 2021 toàn tỉnh tiếp nhận 3.428 Bản kê khai của 42/42 cơ quan, đơn vị; năm 2022 tiếp nhận 2.568 Bản kê khai của 41/41 cơ quan, đơn vị; năm 2023 tiếp nhận 2.520 Bản kê khai tại 41/41 cơ quan, đơn vị.
Tại buổi làm việc đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh đã báo cáo bổ sung làm rõ thêm một số nội dung mà Tổ công tác yêu cầu.
Đại diện Tổ công tác ông Chu Đức Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã hướng dẫn, giải thích một số nội dung liên quan đến công tác kiểm tra.
Bên cạnh kết quả nêu trên, UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thi hành pháp luật về PCTN, cụ thể: Các quy định về công khai, minh bạch còn chưa quy định rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch; chế độ thông tin, báo cáo, đo lường, đánh giá về thực trạng tham nhũng và công tác PCTN chưa cụ thể.
|
|
Các sở, ngành tỉnh Bình Dương tham gia buổi làm việc (Ảnh: Thanh Thủy) |
Quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, chưa toàn diện; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, chưa mang tính khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác. Còn có sự chồng chéo trong quản lý Bản kê khai thu nhập giữa các đơn vị… Quy định việc chuyển đổi vị trí công tác có sự mâu thuẫn chồng chéo giữa Luật và văn bản quy phạm pháp luật.
Từ những khó khăn nêu trên UBND tỉnh cũng kiến nghị cấp thẩm quyền tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Quy định cụ thể đối với việc chuyển đổi vị trí công tác; tiếp tục hoàn thiện quy định chi tiết, cụ thể về công khai, minh bạch; hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm soát về TS, TN của người có chức vụ, quyền hạn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục IV Nguyễn Văn Cảnh đã ghi nhận những nội dung mà UBND tỉnh đã làm được trong thời gian qua. Đồng thời, Cục trưởng Cục IV cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị cụ thể những nội dung vướng mắc trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo Cục trưởng Cục IV, việc kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.