Kon Tum: Nâng cao hiệu quả phối hợp thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng

Thứ tư, 26/07/2023 19:23
(ThanhtraVietNam) - Cùng với việc triển khai biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa để giảm thiệt hại, thất thoát về tài sản, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với cơ quan thi hành án dân sự ngay từ khi xác minh, cho đến khi xử lý tài sản để đảm bảo thu hồi được tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Không có hiện tượng bao che, bỏ lọt tội phạm trong xử lý vụ án tham nhũng

Phải có biện pháp phòng ngừa từ sớm để giảm thiệt hại, thất thoát

Triển khai thực hiện Công văn số 2969/VPCP-V.I ngày 27/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; văn bản của Bộ Tư pháp về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác thu hồi tài sản, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo.

Trong đó, tích cực tham gia hoàn thiện đề án thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội theo đề nghị của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư, phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo hướng kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư bất động sản ra nước ngoài (khi có yêu cầu).

Đồng thời, tích cực tham gia ý kiến theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) đối với văn bản hướng dẫn cụ thể đối tượng kê khai tại khoản 8 Điều 30 Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; văn bản quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi cư trú của người kê khai để Nhân dân giám sát; văn bản quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng có sự phân cấp quản lý theo cấp hành chính nhà nước, xác định cấp có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản thu nhập hàng năm. 

Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum:

- Tài sản tham nhũng được phát hiện: 32.000.000 đồng.

- Tài sản tham nhũng trong 3 vụ án được xét xử: 124.758.051 đồng.

- Tài sản đã được thu hồi, xử lý: 156.758.051 đồng.

Đặc biệt, phải có các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa để giảm thiệt hại, thất thoát về tài sản tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo quy định; phối hợp thu hồi tài sản ở nước ngoài do phạm tội mà có (nếu có). Xem xét nghiên cứu cơ chế khởi kiện đối với cá nhân, tổ chức gây ra thất thoát, thiệt hại tài sản đối với nhà nước để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, các sở, ban ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan hoạt động tư pháp về giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Riêng Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra các cấp trong quá trình điều tra cần đảm bảo tiến hành song song với việc xác minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt của Nhà nước để áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Báo cáo về công tác PCTN, TC 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh Kon Tum cho thấy, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phát hiện 03 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, gồm: 1 vụ việc phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; 1 vụ việc qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và 1 vụ việc qua công tác điều tra.

Đồng thời, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 1 bị can về tội phạm tham nhũng; khởi tố 1 vụ án, 3 bị can về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; phục hồi điều tra vụ án “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông; tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng theo quy định.

leftcenterrightdel
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Kon Tum đã khởi tố một vụ án tham nhũng liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. (Ảnh: TTXVN)

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thu hồi tài sản tham nhũng

Công tác PCTN, tiêu cực được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh Kon Tum. Trong đó, cùng với việc triển khai các giải pháp phòng ngừa, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục rà soát, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực nói chung và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng; trọng tâm là Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; thực hiện tốt công tác kê khai, công khai việc kê khai tài sản; thường xuyên kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện để ngăn chặn, khắc phục kịp thời các hành vi vi phạm.

Hai là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với cơ quan thi hành án dân sự ngay từ khi xác minh, cho đến khi xử lý tài sản để đảm bảo thu hồi được tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan theo thẩm quyền, trường hợp cần thiết phải thành lập tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Ba là, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, địa phương theo quy định; ở những địa phương có lượng án phải thi hành lớn, phức tạp thì kiến nghị Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự phải là Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy để phát huy vai trò trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự của tỉnh, huyện, thành phố để kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện Quy chế.

Bốn là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 25-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nội dung này.

Năm là, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thành viên trong công tác phối hợp thực hiện hoạt động thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra