|
|
Một góc thành phố Lai Châu (Ảnh: https://laichau.gov.vn) |
Theo đó, Thanh tra tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; tham mưu UBND tỉnh xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết theo quy định các nội dung cụ thể sau:
Một là, tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, TC. Trong đó, trọng tâm là Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đồng thời, tăng cường giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội.
Hai là, xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Thủ trưởng cơ quan, đơn vị các cấp phải thật sự gương mẫu và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác PCTN, TC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Hằng năm, chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch tự kiểm tra công tác PCTN, TC để phòng ngừa, chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Thực hiện nghiêm cơ chế giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực phụ trách. Xử lý nghiêm các trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Chủ động nắm bắt tình hình và chỉ đạo thực hiện đối với công tác PCTN ở cơ quan, đơn vị và địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hành động đồng bộ; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN sáng tạo và đánh giá hiệu quả tác động của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện thanh tra, kiểm tra, kê khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng theo quy định...
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc những nơi có nhiều đơn, thư tố cáo, phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. Làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; không để lợi dụng sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là các văn bản liên quan đến lĩnh vực đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công, tài chính công, công tác cán bộ...
Năm là, thực hiện tốt việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung; bảo vệ người tố giác, phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực theo Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân dũng cảm trong phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Sáu là, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp, các cơ quan báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN, TC. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm.
Bảy là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có chức năng PCTN, TC; tăng cường kiểm soát quyền lực PCTN, TC trong các cơ quan này. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, TC có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực; có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mục đích của kế hoạch nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo sự đồng thuận trong các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và toàn thể Nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN, TC, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác PCTN, TC; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, TC theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...