Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Kon Tum

Thứ năm, 29/02/2024 09:46
(ThanhtraVietNam) - Năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với công tác đấu tranh PCTN, TC ngày càng nâng lên. UBND tỉnh Kon Tum dự báo trong thời gian tới số việc tham nhũng không tăng song cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Từ thực tiễn triển khai, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Thực tiễn triển khai công tác PCTN, TC tại Kon Tum

UBND tỉnh Kon Tum thường xuyên chỉ đạo các các cấp, các ngành tăng cường công tác PCTN, TC tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản, như: Kế hoạch triển khai công tác PCTN, TC và tăng cường xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh năm 2023; kế hoạch kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2023; kế hoạch đánh giá công tác PCTN năm 2022; văn bản triển khai thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; văn bản thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 343/KH-UBND ngày 28/4/2023 thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, TC. Tăng cường chỉ đạo triển khai công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thực hiện nghiêm các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Kon Tum đã triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, ban hành, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai, bàn giao và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong năm 2023, Thanh tra tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 2.620 bản kê khai tài sản, thu nhập, gồm: 166 bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 2.207 bản kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 61 bản kê khai tài sản, thu nhập bổ sung và 186 bản kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai đầy đủ. Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 35 cá nhân tại 07 đơn vị; đã ban hành kết luận đối với 31 cá nhân tại 05 đơn vị. Qua xác minh đã kiến nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 18 cá nhân về việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, rõ ràng theo quy định.

Một trong những kết quả nổi bật trong công tác PCTN, TC của tỉnh Kon Tum trong năm 2023 là các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 06 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, tiêu cực, tăng 01 vụ việc so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, qua công tác thanh tra phát hiện 02 vụ việc sai phạm có dấu hiệu hình sự và đã chuyển hồ sơ, tài liệu sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ; qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đã phát hiện 01 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển đơn sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum để thụ lý, giải quyết theo quy định; cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 02 bị can về tội phạm tham nhũng, 03 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; khởi tố 01 vụ án, 03 bị can về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; đồng thời khởi tố 02 vụ án, 02 bị can về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại 02 công ty tư nhân.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng tỉnh đã triển khai thực hiện 20 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại 20 đơn vị. Các nội dung sai phạm được phát hiện chủ yếu, như: Chưa công khai đầy đủ nội dung theo điều 10 Luật PCTN; chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; chi sai định mức chế độ, chi không đúng quy định; việc thực hiện chế độ báo cáo PCTN chưa đầy đủ, chưa đúng thời gian... Qua đó, đã chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN tại các đơn vị.

Một số khó khăn, vướng mắc trong ng tác PCTN, TC

Đánh giá chung về hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN, TC năm 2023 trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, UBND tỉnh Kon Tum nhận định, công tác PCTN, TC được quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy. Các nội dung công tác PCTN, TC được triển khai thực hiện đứng theo Chương trình công tác đề ra. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc theo Kế hoạch đã được các cấp, các ngành phê duyệt. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện các sai phạm trong một số lĩnh vực; có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý, phòng ngừa sai phạm tại các đơn vị được thanh tra và có những kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, từ đó góp phần ngăn chặn có hiệu quả hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Cùng với những kết quả đạt được, UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng, như: Xác minh tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích; PCTN trong khu vực ngoài nhà nước... do các cơ quan Trung ương chưa ban hành hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Ban Nội chính Tủy ủy Kon Tum)

Theo UBND tỉnh Kon Tum, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên là do PCTN, TC luôn là lĩnh vực công tác khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung sự chỉ đạo, điều hành cũng như sự nỗ lực thực hiện của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Việc giám sát cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa chặt chẽ.

Tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Đối tượng phạm tội đa số là những người có chức vụ quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, quan hệ xã hội rộng, có điều kiện kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm. Mặt khác, các vụ án tham nhũng thường xảy ra sau một thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng đã cất giấu, hợp lý hóa hoặc đã tiêu hủy tài liệu dẫn đến việc thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều sơ hở, bất cập, thiếu nhất quán dễ tạo điều kiện cho hành vi tham nhũng.

Hơn nữa, trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp PCTN, TC, tỉnh Kon Tum còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, cơ quan Trung ương chưa ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập; việc thực hiện PCTN trong khu vực ngoài nhà nước... dẫn đến việc triển khai thực hiện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số quy định giữa Luật PCTN năm 2018 và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị) còn bất cập, chưa thống nhất. Hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai hoạt động.

Phương hướng và giải pháp cụ thể trong công tác PCTN, TC

Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kon Tum đối với công tác PCTNTC, dự báo trong thời gian tới số việc tham nhũng không tăng. Song để tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum cần tập trung quản lý ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực ở các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như đất đai, tài nguyên khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ và các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.

Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật PCTN cũng như các Nghị định có liên quan; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh. Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC về cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác giám định, định giá tài sản. Đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thiệt hại, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.

Phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt tại các vị trí tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chú trọng giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân có liên quan đến công tác PCTN, TC.

Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát thu thập thông tin phản ánh, tố cáo; phát hiện xử lý tham nhũng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng ở các ngành, các cấp.

Từ thực tiễn triển khai công tác PCTN, TC trong những năm qua cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum đề ra một số giải pháp cụ thể trong công tác PCTN, TC, như sau:

Một là, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về lối sống, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng giáo dục về bản lĩnh chính trị, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức tự phê bình và phê bình; tự giác trong rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính giữ gìn phẩm chất, xây dựng đoàn kết nội bộ; thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và chương trình hành động của Tỉnh ủy.

Hai là, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, TC cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Thường xuyên theo đõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác PCTN, TC hằng năm. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế và chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường trao đổi văn bản điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và việc tặng quà, nộp lại quà tặng; thường xuyên rà soát xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Tổ chức xác minh tài sản, thu nhập theo quy định.

Bốn là, rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, xã hội hóa các dịch vụ công, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, quy hoạch xây dựng... và các vấn đề cụ thể khác mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất.

Năm là, tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Từng sở, ngành, địa phương tích cực triển khai, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác PCTN, TC tại sở, ngành, địa phương mình. Nghiêm túc xem xét, xử lý người đứng đầu khi không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra sai phạm, tiêu cực, tham nhũng thuộc quyền quản lý.

Sáu là, thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra