Một vài suy nghĩ và kiến nghị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ hai, 10/07/2023 09:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, một số vụ việc tiêu cực lớn điển hình xảy ra trên phạm vi rộng ở các doanh nghiệp chậm được phát hiện đã để lại hậu quả không nhỏ cả về kinh tế, chính trị và hệ lụy xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên nắm giữ các trọng trách tại các địa phương không giữ được phẩm chất chính trị, nhận hối lộ, phá bỏ nguyên tắc và pháp luật.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Qua những thông tin chính thức có thể thấy các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành xử lý các vụ việc và tiếp tục điều tra làm rõ các sai phạm ở các doanh nghiệp có vi phạm, liên quan đến tham nhũng. Từ những vụ việc tham nhũng được phát hiện thời gian qua, có một số vấn đề đáng suy nghĩ về công tác phòng, chống tham nhũng trong mối quan hệ chính quyền các cấp với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (bao gồm cả các doanh nghiệp có yếu tố người nước ngoài):
Thứ nhất, xét về động cơ kinh tế cho thấy không có một doanh nghiệp nào không vì lợi ích kinh tế. Vì lợi kinh tế, một bộ phận doanh nghiệp đã tìm cách "lách luật", lợi dụng mối quan hệ với một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm sai lệch các quy định, thể chế luật pháp trong các lĩnh vực kinh doanh mà họ theo đuổi.
Thứ hai, xét về hậu quả kinh tế, đó là một sự xáo trộn và làm suy giảm tính thống nhất trong tổ chức điều hành, gây ra những thiệt hại lớn cho ngân sách cũng như trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Thứ ba, các hành vi hối lộ, tham nhũng suy đến cùng là hướng vào một bộ cán bộ, đảng viên. Sự thoái hóa, biến chất của những cán bộ, đảng viên này đã làm lợi cho doanh nghiệp hối lộ và gây thiệt hại cho tổng thể chung của các doanh nghiệp. Yếu tố cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh bị triệt tiêu. Nhiều cán bộ, đảng viên phải chịu kỷ luật và chấp nhận hình phạt của pháp luật.

Tổn thất về kinh tế, thâm hụt về ngân sách tuy rất nghiêm trọng nhưng còn khả dĩ thu hồi và khắc phục. Nhưng việc mất lòng tin của Nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng cũng như tổ chức Đảng là tổn thất to lớn không dễ gì khắc phục được ngay.

Với những suy nghĩ như thế, cần kiến nghị một vài biện pháp nhằm loại bỏ các hành vi tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên ở nước ta trong giai đoạn hiện nay như sau:

Một là, phải điều chỉnh kịp thời các thể chế chính sách sao cho phù hợp thực trạng và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (có tính đến tính pháp lý và các hình thức khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, cụ thể).
Hai là, một trong các lĩnh vực nảy sinh hành vi tham nhũng hối lộ nhiều nhất là đất đai. Chính vì thế cần có những chính sách cụ thể hơn về quản lý đất đai nhằm tránh sử dụng lãng phí cũng như bị các hành vi đút lót, hối lộ, thao túng đất đai, đầu cơ đất đai thông qua các dự án giao thông, xây dựng nhà ở trên các quỹ đất phúc lợi…
Ba là, chính sách tiền tệ, tài chính, ngân hàng hiện nay đang có sự điều chỉnh quyết liệt nhưng chưa đủ. Cần có sự quyết liệt hơn nữa và mau chóng số hóa, giảm thiểu chi tiêu tiền mặt nhằm chống rửa tiền và nguy cơ sử dụng một khối lượng tiền mặt không kiểm soát được của các doanh nghiệp, cá nhân.
Bốn là, Đảng, Nhà nước giao trọng trách cho các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng phổ biến đầy đủ, cặn kẽ chủ trương chính sách và các hoạt động xã hội nhằm định hướng dư luận số đông hướng tới sự tích cực trong nhận thức và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng ngừa, phát giác các hành vi tham ô, hối lộ, nhận hối lộ.
Xu thế dư luận số đông tích cực còn là sự hướng dẫn và tạo đà cho xu thế hành động của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội cũng như cá nhân người dân có cơ hội thực hiền quyền và nghĩa vụ của công dân giám sát các cơ quan công quyền cũng như cá nhân các đảng viên (mà chủ yếu là đảng viên có chức vụ, quyền hạn) không nhận hối lộ, không tham nhũng, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường công tác xây dựng Đảng ở cấp cơ sở. Phải thừa nhận rằng ở đâu tổ chức Đảng yếu kém, mất đoàn kết, thiếu dân chủ thì ở đó có nhiều bất an, nhiều khiếu kiện kéo dài, nhiều cán bộ sa đọa, biến chất, tham ô, hối lộ….
Vì vậy, xây dựng Đảng đặc biệt ở cấp cơ sở mà mỗi đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải tham gia là yếu tố bắt buộc không được bỏ qua.

Vũ Phạm Toàn Thắng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra