Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng đạt được nhiều kết quả. Ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản trong công cuộc đấu tranh PCTN đã có những bước tiến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể xã hội và người dân, trong đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng của hệ thống THADS cũng có những chuyển biến tích cực.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật
Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nhấn mạnh, trong công tác PCTN cần “chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng…chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”. Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) yêu cầu các cơ quan chức năng “sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả”. Để kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời khắc phục những bất cập của pháp luật về hình sự giai đoạn trước đây chỉ tập trung vào việc tìm ra tội phạm tham nhũng mà chưa chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng nội hàm và cấu thành tội phạm tham nhũng; bổ sung hình phạt, các biện pháp tư pháp và các quy định về giảm hình phạt, giảm nhẹ hình phạt trong trường hợp chủ động khắc phục hậu quả tham nhũng; không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án đối với các tội tham ô tài sản và nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; quy định các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, hợp tác quốc tế nhằm thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Thời gian qua, cùng với việc chứng minh tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực chủ động áp dụng các biện pháp truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, hạn chế để các đối tượng có liên quan tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng, tích cực động viên người phạm tội giao nộp tài sản để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Đây là tiền đề quan trọng để cơ quan THADS thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát (Chỉ thị 04) trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với rất nhiều giải pháp. Theo Chỉ thị 04, công tác thu hồi tài sản tham nhũng không còn là nhiệm vụ riêng của cơ quan nào mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, trong đó, nòng cốt là cơ quan THADS, đặt dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Đảng và phải được quan tâm, chú trọng thực hiện ngay từ những giai đoạn đầu của quá trình tố tụng.
Ngày 11/01/2022, Quốc hội thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số Luật trong đó có Luật THADS, theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56, 57 quy định về ủy thấc xử lý tài sản, góp phần khắc phục những bất cập trong cơ chế ủy thác hiện hành, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản để thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho Nhà nước. Đồng thời, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, một số thể chế pháp luật có liên quan cũng được rà soát, hoàn thiện như: Luật Đấu giá tài sản năm 2016; Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản; Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bán đấu giá tài sản nhằm chấn chỉnh hoạt động bán đấu giá… Đây đều là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan THADS thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhờ đó, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được nâng lên.
|
|
THADS có vị trí quan trọng, là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng |
Thực trạng công tác của thu hồi tài sản tham nhũng
Từ năm 2013 đến nay, nhất là sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân về công tác PCTN, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt, quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo, phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác phối hợp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản ngay từ giai đoạn điều tra nên một số vụ việc đã thu hồi được triệt để tài sản thất thoát của Nhà nước.
Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Tư pháp đều ban hành Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực THADS, trong đó yêu cầu Tổng cục THADS xây dựng kế hoạch kiểm tra và chỉ đạo các cơ quan THADS ban hành kế hoạch tự kiểm tra, coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả công tác các cơ quan THADS. Từ năm 2018, Bộ Tư pháp yêu cầu 100% cơ quan THADS tự kiếm tra và các Cục THADS phải kiểm tra toàn diện 2/3 số chi cục THADS trên địa bàn. Tổng cục THADS đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra công tác tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế. Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề về công tác PTCN và thu hồi tài sản tham nhũng, qua đó phát hiện những thiếu sót, vi phạm để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc.
Theo báo cáo của Tổng cục THADS, trong giai đoạn 2013 - 2019, các cơ quan THADS tổ chức thu hồi đơn hơn 32.379 tỷ động (riêng năm 2019, thu hồi được số tiền hơn 16.651 tỷ đồng, bằng 51% tổng số tiền đã thi hành xong giai đoạn 2013 - 2019); năm 2020, các cơ quan THADS thu hồi được số tiền hơn 15.417 tỷ đồng; năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ quan THADS vẫn thu hồi được hơn 4.094 tỷ đồng; năm 2022 đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021. 5 tháng đầu năm 2023, dù số việc thụ lý mới tăng trên 58.000 việc (tương đương trên 84.700 tỷ đồng - tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2022) và số thụ lý mới án tham nhũng, kinh tế tăng 324 việc (tương ứng tăng gần 14.400 tỷ đồng - tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng kết quả thi hành án lại rất khả quan. Cụ thể đã thi hành xong số tiền trên 45.000 tỷ đồng (tăng trên 19.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022); án tham nhũng kinh tế đã thi hành xong 651 việc với số tiền trên 17.383 tỷ đồng (tăng gần 11.900 tỷ đồng so với cùng kỳ). Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Tuy nhiên, THADS là khâu cuối của quá trình tố tụng, là quá trình hiện thực hóa bản án, phán quyết của Tòa án trong thực hiện cuộc sống, đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhất là trong bối cảnh tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, tài sản để thực hiện nghĩa vụ thi hành án có giá trị ngày càng lớn, tính đặc thù cao gây khó khăn cho việc xử lý. Bên cạnh đó, việc thể chế hóa các quan điẻm, chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng thành các văn bản quy phạm pháp luật có lúc còn chưa kịp thời. Trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng còn bộc lộ những hạn chế, thiếu các quy định chi tiết, cụ thể, nên các cơ quan, tổ chức còn lúng túng trong công tác phối hợp, làm chậm tiến độ thu hồi tài sản tham nhũng. Bối cảnh đó đặt ra cho công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của hệ thống THADS nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; xác định công tác thu hồi tài sản là nhiệm vụ trọng tâm, là mục đích cơ bản của việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách.
Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản. Theo đó, tổ chức nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế thu hòi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, tập trung hoàn thiện chính sách hình sự đối với người phạm tội tham nhũng đã chủ động khắc phục hậu quả; xây dựng trình tự, thủ tục riêng về thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn THADS; hoàn thiện quy định về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đã kê biên, phong tỏa đẻ thi hành án.
Rà soát cụ thể nhiệm vụ hoàn thiện thế chế đã được xác định trong Chỉ thị 04 đối với bộ, ngành, đồng thời hoàn thiện cơ chế và tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản phạm tội ở nước ngoài. Hoàn thiện quy định của pháp luật về kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, truy tìm, xử lý hoạt động rửa tiền.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phỏng tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, tăng cường nguồn lực về nhân sự, tài chính cho cơ quan THADS, tăng cường phối hợp trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Kiện toàn nguồn lực, chỉ đạo để nâng cao kết quả thi hành án, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo THADS và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khi có khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp để xử lý tài sản tham nhũng.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản./.